Sẽ có thêm nhiều nhà máy điện mặt trời nổi tại các nước Đông Nam Á
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế năng lượng và Phân tích tài chính, các nước châu Á, trong đó có Đông Nam Á đang đi trước châu Âu trong phát triển điện mặt trời nổi và sẽ tiếp tục lắp đặt thêm nhiều nhà máy mới.
Số liệu trong báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế năng lượng và Phân tích tài chính (IEEFA), các nước ASEAN hiện có hơn 51 MW điện mặt trời nổi (quang điện nổi) đã được lắp đặt và 858 MW đã được lên kế hoạch với nhiều nhà máy mới. Sự phát triển điện mặt trời nổi ở các nước Đông Nam Á khá nhanh khi trước năm 2019, công suất điện năng lượng mặt trời nổi chỉ khoảng 1 MW. Hiện các nước châu Á đang đi trước châu Âu về phát triển quang điện nổi.
ũng theo IEEFA, ngày càng nhiều quốc gia trong khối ASEAN đã và đang lên kế hoạch xây dựng các nhà máy điện mặt trời nổi trên sông, đập, hồ, hồ chứa và thậm chí cả trên biển. Các nhà máy này được kỳ vọng sẽ giúp sản xuất điện sạch với giá thành cạnh tranh so với các nhà máy chạy than gây ô nhiễm. Hơn nữa, việc nhập khẩu ròng nhiên liệu hóa thạch cũng đẩy các nước ASEAN vào tình thế phải đối mặt với nhiều rủi ro an ninh năng lượng và giá leo thang, gây ra các hậu quả kinh tế như rủi ro cung ứng, thâm hụt cán cân thương mại.
Điện năng lượng mặt trời nổi được kỳ vọng sẽ giúp sản xuất điện sạch với giá thành cạnh tranh so với các nhà máy chạy than gây ô nhiễm (Ảnh internet)
IEEFA cho rằng, tiềm năng điện mặt trời nổi tại ASEAN rất cao, đạt ít nhất 24 GW. Trong đó, quốc đảo có 4 mặt giáp biển Philippines có tiềm năng phát triển tới 11 GW điện năng lượng mặt trời nổi tại 5% diện tích mặt nước của mình, có thể đáp ứng nhu cầu dùng điện cho 7,2 triệu hộ gia đình.
Đầu năm 2020, Thái Lan đã phát triển dự án điện dự án điện mặt trời nổi trên đập thủy điện Sirindhorn ở tỉnh Ubon Ratchathani với tổng công suất 45 MW. Các tấm pin năng lượng mặt trời dự kiến trị giá gần 28 triệu USD, lắp trên diện tích 72 ha mặt nước. Đây là dự án thí điểm của hệ thống “điện lai”, bao gồm 45 MW điện mặt trời nổi và 36 MW thủy điện nhằm tối ưu hóa công suất. Dự án này được kỳ vọng sẽ phát điện từ tháng 12/2020. Cơ quan sản xuất điện năng Thái Lan (EGAT) đã cam kết sẽ lắp đặt các trang trại điện năng lượng mặt trời nổi trên 9 đập thủy điện tại xứ sở Chùa Vàng, tổng công suất lên tới 2.725 MW.
Tháng 2/2020, Lào cũng phát triển dự án điện năng lượng mặt trời nổi lớn nhất thế giới tại Nam Ngum 1 theo hình thức quan hệ đối tác công tư (PPP), trong đó Chính phủ Lào giữ 20%, khu vực tư nhân giữ 80%. Dự án này có công suất lắp đặt 1.200 MW, bao phủ trên diện tích 1.500 ha, được truyền tải đến Trạm biến áp Sengsavang nhờ đường cáp truyền tải 40km sẽ được xây dựng.
Xem thêm: “Điểm danh” các điện mặt trời" href="https://vuphong.vn/dien-mat-troi/" target="_blank" rel="nofollow noopener">hệ thống điện mặt trời nổi quy mô lớn trên thế giới
Tại Việt Nam, dự án Nhà máy điện mặt trời Đa Mi công suất 47,5 MWp được xây dựng trên hồ thủy điện Đa Mi được triển khai thi công xây dựng từ tháng 8/2018, đưa vào vận hành thương mại từ tháng 6/2019. Sau hơn 1 năm vận hành, các thông số kỹ thuật đều đạt và vượt giá trị thiết kế. Cụ thể, theo thiết kế kỹ thuật, nhà máy quang điện nổi này sẽ cung cấp sản lượng điện trong năm đầu vận hành là 69,9 triệu kWh nhưng thực tế là 74,18 triệu kWh (tăng 6,12%); tỷ lệ hiệu suất phát điện thực tế là 85,80% (so với mức 81,43% như trong thiết kế).
Điện mặt trời nổi trên hồ Đa Mi – Việt Nam (Ảnh internet)
Báo cáo của IEEFA cũng cho thấy, các nhà máy điện mặt trời nổi hoạt động tốt nhất khi lắp đặt với các công trình thủy điện và có kết nối với lưới điện hiện có, do quang điện nổi có thể giúp cân bằng phụ tải trong các hệ thống điện phức tạp. Theo nhóm các nhà phân tích – tác giả của báo cáo này, việc phát triển điện mặt trời nổi kết hợp với thủy điện mang lại nhiều lợi ích hơn so với việc bổ sung vào các nhà máy nhiệt điện than mới vào các hệ thống lưới điện vốn đã quá tải. Các nhà máy điện chạy than 24/7, không thể phản ứng nhanh với những thay đổi hoặc cắt điện đột ngột. Việc xây dựng nhà máy điện than cũng mất khoảng 3 năm trong khi thời gian hoàn thành nhà máy điện mặt trời nổi nhanh hơn nhiều, chỉ khoảng vài tháng. Các nhà máy điện năng lượng mặt trời nổi trên biển còn có khả năng chống chịu tốt trước các trận bão, sóng lớn và các trận cuồng phong với sức gió lên tới 170 km/h.
Điện mặt trời nổi còn có một ưu điểm là không tốn diện tích đất để phát triển, được xem là một giải pháp hữu hiệu bên cạnh các dự án điện năng lượng mặt trời mặt đất nối lưới và điện mặt trời mái nhà góp phần bổ sung nguồn điện sạch.
Edit: vuphong.vn