Nhật Bản phát triển điện mặt trời như thế nào?
Nhật Bản là nước tiêu thụ điện lớn thứ 5 trên thế giới. Nhưng do có rất ít nguồn năng lượng nên nước này phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
Mạng lưới điện của Nhật Bản bị phân tán và cách ly với các nước láng giềng do vị trí địa lý và địa hình đa phần gồm các hòn đảo. Mạng lưới điện của Nhật gồm 9 khu vực, mỗi khu vực lại được vận hành độc lập. Nhật Bản cũng có hai lý do lịch sử dẫn đến việc sử dụng hai tần số điện khác nhau (60Hz ở phía tây và 50Hz ở phía đông) và cách duy nhất để trao đổi điện giữa hai khu vực chính là thông qua bộ chuyển đổi dòng điện một chiều có công suất khá hạn chế.
Bước ngoặt Fukushima
Trước thảm họa nổ Nhà máy Điện nguyên tử Fukushima, điện nguyên tử cung cấp 25% tổng sản lượng điện của Nhật Bản, cũng bằng với khí tự nhiên hóa lỏng và than đá. Dầu mỏ và thủy điện cùng chiếm gần 10%, số còn lại đến từ năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng địa nhiệt và nhiên liệu sinh học.
Sau vụ tai nạn hạt nhân Fukushima tháng 3-2011, Nhật Bản đột ngột thay đổi hệ thống phát điện bằng việc ngừng các lò phản ứng hạt nhân.
Điều này đã khiến Nhật gia tăng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu. Các nhiên liệu này chiếm gần 82% sản lượng điện của Nhật Bản, theo số liệu của IEA. Việc thay thế sản xuất điện hạt nhân bằng các loại nhiên liệu hóa thạch từ năm 2011 đã gây nhiều tốn kém cho Nhật Bản.
Trước tình hình này, Chính phủ Nhật Bản thông báo kế hoạch tăng cường năng lượng mặt trời để giảm sự thiếu hụt điện do việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân. Một quy trình cải tổ thị trường điện đã được khởi xướng nhằm chấm dứt thế độc quyền của các khu vực và củng cố hệ thống cung cấp điện nhằm đảm bảo sản lượng 1065TWh vào năm 2030 (so với 1018TWh của năm 2016).
Kích thích năng lượng mặt trời
Vào tháng 8-2011, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành luật về mua năng lượng tái tạo để khuyến kích người dân tự sản xuất điện mặt trời tại nhà và giúp hình thành các trung tâm điện mặt trời lớn. Chính sách giá điện được Nhật Bản xem xét điều chỉnh 3 năm 1 lần.
Những chính sách “hào phóng” của Chính phủ Nhật Bản đã thu hút một số lượng lớn các dự án đầu tư vào điện tái tạo thời gian qua. Vấn đề hiện nay là tỷ lệ triển khai các dự án này. Trong khi khối dân cư hoàn thành tới 80% các dự án đăng ký thì chỉ có 20% các dự án lớn được triển khai. Tỷ lệ thấp này chủ yếu là do Chính phủ không quy định rõ thời hạn bắt buộc hoàn thành dự án khi nhà đầu tư đăng ký, do những bất ổn liên quan đến giá mua điện và do tâm lý chờ đợi giá thiết bị sẽ giảm của các nhà đầu tư dự án điện mặt trời.
Một dự án điện mặt trời ở Nhật Bản
Thêm vào đó là những khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng và chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, cũng như những khó khăn trong việc kết nối điện mặt trời với lưới điện quốc gia. Tất cả những khó khăn trên đòi hỏi sự can thiệp của Chính phủ thông qua cải tiến chính sách, để duy trì niềm tin của giới đầu tư trong phát triển điện mặt trời ở quy mô lớn, phù hợp với các mục tiêu của chính phủ.
Trên tinh thần đó, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) tháng 8-2014 đã công bố một loạt các biện pháp nhằm hợp lý hóa hệ thống hỗ trợ cho lĩnh vực điện mặt trời. Các nhà đầu tư khi trình kế hoạch xây dựng trung tâm điện mặt trời phải nộp giấy chứng nhận sở hữu một diện tích đất nhất định cùng những hợp đồng mua trang thiết bị cần thiết để triển khai dự án. Có được những bằng chứng trên, Chính phủ mới cấp phép và hỗ trợ cho nhà đầu tư.
Một hệ thống hỗ trợ mới từ năm 2016
Cuối năm 2016, Chính phủ Nhật Bản đã phê duyệt một kế hoạch hỗ trợ mới để phát triển năng lượng tái tạo, theo đó từ tháng 4-2017, các dự án nhà máy điện mặt trời quy mô lớn sẽ được đưa ra đấu giá.
Việc đưa ra cơ chế đấu thầu cho ngành điện tái tạo là tín hiệu tích cực để giảm chi phí. Mặc dù vậy, chi phí cho các dự án điện mặt trời ở Nhật Bản vẫn cao hơn nhiều so với các cuộc đấu thầu ở những nơi khác trên thế giới (Mexico, Chilê, Đức…).
Các nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy thị trường Nhật Bản là cơ hội để kiếm lợi nhuận, do mức giá mua điện cao ở nước này. Trong các cuộc mời đấu thầu mới của Nhật Bản, 4 nhà khai thác năng lượng tái tạo nước ngoài đã trúng thầu bán điện cho Nhật Bản gồm chi nhánh Canada Solar (với các nhà máy ở Trung Quốc), các công ty con của Hanwha – Hàn Quốc, Q-Cells của Đức và Công ty X-Elio của Tây Ban Nha.
Năm 2016, Chính phủ Nhật Bản dành khoảng 2,3 nghìn tỉ yên (tương đương 17,3 tỉ euro) để hỗ trợ việc mua lại điện mặt trời với giá cao.
Các công ty điện tái tạo của Nhật ngày càng sử dụng các tấm thu năng lượng mặt trời của các nhà sản xuất nước ngoài (ví dụ, Hina sử dụng pin mặt trời của Trung Quốc). Ước tính một nửa số công ty điện mặt trời của Nhật Bản sau khi trúng thầu đều sử dụng các thiết bị nhập khẩu (rẻ hơn 30% so với mặt hàng cùng loại của Nhật Bản).
Thông qua việc đấu thầu, Nhật Bản đã giảm được chi phí sản xuất và giảm số lượng các “dự án trên giấy”. Quy trình này làm tăng tính cạnh tranh trên thị trường, đồng thời giảm được giá điện cho người dân.
Sau khi hạ được chi phí sản xuất, Chính phủ Nhật bắt đầu giảm hỗ trợ cho phát triển điện tái tạo thông qua giảm giá mua điện, giảm 10% trong năm 2017.
Sau một thời gian phát triển, hiện nay năng lượng mặt trời chiếm khoảng 4,5% tổng sản lượng điện ở Nhật Bản. Dự kiến, nguồn điện tái tạo này có thể đại diện cho 12% hỗn hợp điện của Nhật Bản vào năm 2030. Nhưng những thách thức cho lĩnh vực năng lượng của Nhật Bản hiện còn rất nhiều do nước này đang phải đối mặt với tăng trưởng kinh tế chậm chạp và dân số giảm.
Nguồn petrotimes.vn