Kazakhstan tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo

Kazakhstan tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo

Ngày 20/11, thành phố Shymkent của Kazakhstan đã khánh thành nhà máy điện sử dụng khí sinh học (biogas) đầu tiên của toàn khu vực Trung Á với công suất 0,5 MW.
kazakhstan-tang-cuong-san-xuat-nang-luong-tai-tao
Theo báo cáo của Bộ Năng lượng Kazakhstan, đây là một dự án độc đáo và thiết thực, nằm trong chương trình quốc gia “Chuyển đổi sang nền kinh tế xanh” đã được Tổng thống N. Nazarbayev phê chuẩn.
Khu phức hợp của công trình này sử dụng công nghệ mới của công ty HEDVIGA GROUP (Cộng hòa Séc), được trưng bày tại triển lãm quốc tế EXPO 2017.
Tính đặc thù của công nghệ là sản xuất năng lượng nhiệt và điện bằng cách làm sạch nước thải từ các cơ sở xử lý của thành phố và chiết xuất khí biogas. Do đó, ô nhiễm sẽ giảm đáng kể và môi trường sinh thái sẽ được cải thiện.
Theo quy trình công nghệ, trong quá trình xử lý chất thải, mỗi ngày nhà máy giải phóng được 300 m3 khí chứa mêtan (biogas) để làm nhiên liệu cho máy phát điện.
Tổng chi phí của dự án là 2,2 tỷ tenge (đơn vị tiền tệ của Kazakhstan; theo tỷ giá hiện nay, 330 tenge = 1 USD).
Đây không phải là dự án duy nhất nhằm đưa Kazakhstan đến gần nền kinh tế xanh.
Được biết, cuối năm 2017, ở khu vực Kazygurt, một trạm thủy điện nhỏ sẽ được đưa vào hoạt động. Tại tỉnh Saryagash bắt đầu xây dựng một trạm điện mặt trời có công suất 20 MW và ở khu vực Maktaaral cũng đang xây dựng một trạm điện mặt trời có công suất 5 MW.
Một đất nước nhiều thảo nguyên bao la như Kazakhstan có tiềm năng rất lớn về năng lượng gió, vì thế, trong tương lai gần, các dự án phong điện cũng sẽ được triển khai thực hiện.

Theo petrotimes.vn