Điện mặt trời đang đi vào cuộc sống người dân Hà Tĩnh
Trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu hụt năng lượng và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, thì phát triển năng lượng sạch (điện gió, mặt trời, sinh khối…) đang là một giải pháp và xu hướng tất yếu.
Không nằm ngoài xu hướng chung tại Việt Nam, với những hiệu quả thiết thực mà nó mang lại, điện năng lượng mặt trời đã và đang đi vào cuộc sống người dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Ông Nguyễn Văn Phú ở TP. Hà Tĩnh cho biết: Ngay từ năm 2010, ông đã mạnh dạn đầu tư thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời để sử dụng cho sinh hoạt. Theo ông Phú, từ khi sử dụng điện năng lượng mặt trời, trong gia đình không bao giờ thiếu nước nóng. Khi trời nắng to thì nước nóng có thể làm thịt được các loại gia cầm, khi không có nắng, nguồn nước cũng đủ ấm để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Đến nay đã gần 8 năm đưa vào sử dụng hệ thống làm nóng bằng năng lượng mặt trời, bình quân mỗi tháng gia đình ông tiết kiệm được gần ½ tiền điện.
Cùng với ông Phú, thời gian gần đây, từ khuyến cáo của ngành Công thương Hà Tĩnh, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời thay thế các bồn tắm nước nóng bằng nguồn điện lưới quốc gia. Đặc biệt, hầu hết các khách sạn, nhà hàng trên địa bàn đều sử dụng pin năng lượng mặt trời thay cho việc sử dụng điện lưới như trước đây.
Nhận thức được tiện ích của việc sử dụng pin năng lượng mặt trời, từ năm 2016 đến nay, Công an Hà Tĩnh cũng đã tham mưu cho địa phương phối hợp với ngành chức năng lắp mới và thay thế nhiều cột đèn tín hiệu giao thông bằng đèn năng lượng mặt trời.
Qua thực tế, hệ thống đèn tín hiệu giao thông sử dụng năng lượng mặt trời đã bước đầu cho thấy những ưu thế so với đèn tín hiệu giao thông sử dụng điện lưới quốc gia. Cùng với việc thi công thuận lợi, không phải đào, cắt đường để lắp đặt đường dây; thì hệ thống đèn tín hiệu giao thông sử dụng nguồn điện năng lượng mặt trời còn thân thiện với môi trường, tiết kiệm chi phí; hoạt động không bị gián đoạn khi có sự cố mất điện, sửa chữa điện lưới. Bên cạnh đó, với hệ thống lưu trữ, các đèn tín hiệu này sẽ hoạt động cả ngày lẫn đêm, không phụ thuộc vào việc cắt điện của ngành điện.
Ông Lưu Tiến – Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Hà tĩnh cho hay: Từ tiện ích này, thời gian tới, Công an Hà Tĩnh sẽ nhân rộng mô hình ra tất cả các địa bàn trong tỉnh.
Nhận thức được việc sử dụng năng lượng sạch, không chỉ tiết kiệm được nguồn điện lưới quốc gia đang có chiều hướng thiếu hụt do nhu cầu sử dụng điện ngày một tăng mà còn góp phần đảm bảo an toàn về năng lượng, ngành Công thương Hà Tĩnh đang tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân hạn chế sử dụng điện lưới, thay thế sử dụng năng lượng mặt trời khi có điều kiện.
Hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái được lắp đặt tại Sở Công thương Hà Tĩnh.
Để giúp các cơ quan, doanh nghiệp thấy được lợi ích của việc sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời, đầu năm 2018, Sở Công thương Hà Tĩnh đã triển khai thí điểm dự án lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái tại trụ sở làm việc. Hệ thống này được đầu tư xây dựng gồm 30 tấm pin mặt trời đa tinh thể, công suất muỗi tấm 320Wp, bộ chuyển đổi inverter công suất 10kW, thiết bị giám sát qua internet. Tổng công suất lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái là 10kWp, hòa trực tiếp vào điện lưới mà sở đang sử dụng.
Từ khi đưa hệ thống điện năng lượng mặt trời vào sử dụng, hàng tháng đã giảm được hơn ½ tiền điện và giảm trên 30% lượng điện tiêu thụ. Ngoài lợi ích kinh tế, việc sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái hoàn toàn không phụ thuộc vào sự can thiệp của ngành điện lực, môi trường thân thiện và an toàn ổn định hơn; mặt khác việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái nhà làm cho không gian trong các phòng mát mẻ hơn vì pin mặt trời cũng hỗ trợ cách nhiệt.
Ông Nguyễn Đình Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh khẳng định: Đối với các cơ quan công sở làm việc chủ yếu vào ban ngày, việc nghiên cứu lắp đặt hệ thống biến đổi năng lượng mặt trời, phục vụ nhu cầu điện nội bộ hiện nay là một trong những giải pháp thích hợp để giảm chi phí điện năng, giảm phụ tải của hệ thống điện quốc gia, góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu khí thải nhà kính và ô nhiễm môi trường.
Việc triển khai mô hình hệ thống biến đổi năng lượng mặt trời nối lưới nội bộ theo công nghệ và quy mô thích hợp ở các tòa nhà của cơ quan, công sở của tỉnh Hà Tĩnh sẽ là bước đột phá trong việc thực hiện Chỉ thị 34/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện tiết kiệm điện của Thủ tướng Chính phủ. Hơn nữa, kết quả của dự án sẽ góp phần tạo cơ sở khoa học, xây dựng chính sách khuyến nghị phát triển ứng dụng năng lượng mặt trời tại tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian tới.
Từ thành công của việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái ở Sở Công thương, hiện nay, một số cơ quan đơn vị trên địa bàn đã và đang có kế hoạch lắp đặt hệ thống này nhằm góp phần giảm thiểu áp lực về thiếu điện hiện nay.
Xác định điện năng lượng mặt trời là hướng đi mới trong việc sử dụng năng lượng sạch, tỉnh Hà Tĩnh đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời. Hiện nay, nhà máy điện năng lượng mặt trời ở xã Cẩm Hoà, huyện Cẩm Xuyên do Công ty CP điện mặt trời Hà Tĩnh – Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn làm chủ đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực, với quy mô công suất 50MW.
Ngoài ra còn 2 dự án do Công ty German Asean Power (Cộng hòa Liên Bang Đức) làm chủ đầu tư, tại xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên và xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn đang trình Bộ Công Thương bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2016-2025.
Trong một tương lai gần, khi 3 dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời này đi vào hoạt động, Hà Tĩnh sẽ có một nguồn năng lượng sạch đáng kể bổ sung vào nguồn điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy kinh tế – xã hội ngày càng phát triển.
Nguồn: Nangluong.news