Trong năm 2022 chi tiêu cho năng lượng xanh dự kiến đạt gần 650 tỷ USD

Trong năm 2022 chi tiêu cho năng lượng xanh dự kiến đạt gần 650 tỷ USD

Theo nghiên cứu từ hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy), chi tiêu năng lượng toàn cầu trong năm 2022 sẽ đạt mức cao kỷ lục với hơn 2.100 tỷ USD. Trong đó, chi tiêu cho năng lượng xanh sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 31% và tăng khoảng 24% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương mức tăng 125 tỷ USD.

Chi tiêu cho điện mặt trời tăng đến 64%

Dựa trên các dự án hiện tại, Rystad Energy dự đoán công suất điện mặt trời và điện gió toàn cầu sẽ tăng 250 GW trong năm 2022 (bao gồm 140 GW điện mặt trời tập trung và 110 GW điện gió). Chi tiêu cho năng lượng xanh sẽ tăng khoảng 24%, tương đương tăng 125 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, điện mặt trời, thu giữ và lưu trữ carbon (CCS), hydrogen, địa nhiệt đang phát triển mạnh nhất với mức tăng trưởng từ 40-60%. Chi tiêu cho điện mặt trời tăng cao nhất là 64%, dự kiến đạt 191,47 tỷ USD. Điện gió trên bờ được dự báo sẽ có mức chi tiêu tăng 24%, đạt hơn 209 tỷ USD.

chi-tieu-cho-nang-luong-xanhChi tiêu năng lượng toàn cầu (Nguồn: Rystad Energy)

Lạm phát sau dịch Covid-19 và sự gia tăng của giá dầu, khí đốt và giá điện trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga được cho là các nguyên nhân đẩy chi phí năng lượng toàn cầu tăng cao trong năm 2022. Với các nguồn năng lượng xanh, giá các nguyên vật liệu như lithium, niken, đồng, polysilicon… tăng cũng là một lý do khiến chi phí tăng lên. Tất nhiên, nguyên nhân chính của sự gia tăng tỷ trọng chi phí năng lượng tái tạo trong tổng chi tiêu năng lượng toàn cầu và việc dòng vốn đổ vào năng lượng xanh ngày càng tăng là do xu hướng chuyển dịch năng lượng, đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng phát thải thấp trong mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ.

Năng lượng tái tạo sẽ tiếp đà tăng trưởng

Năm 2021, công suất điện năng lượng tái tạo toàn cầu tăng kỷ lục với gần 290 GW mới được đưa vào vận hành. Trong đó, hơn một nửa tổng lượng điện tái tạo bổ sung trong năm là điện mặt trời, theo sau là năng lượng gió và thủy điện. Điện gió tiếp tục có một năm thành công với 93,6 GW công suất bổ sung, bất chấp các diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nâng tổng công suất điện gió tích lũy toàn cầu lên 837 GW.

chi-tieu-cho-nang-luong-xanhNăm 2021, điện gió tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với gần 94 GW công suất bổ sung (Ảnh internet)

Bên cạnh xu hướng chuyển dịch năng lượng và sự nỗ lực của các quốc gia cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, ảnh hưởng từ căng thẳng quân sự Nga – Ukraine cũng sẽ thúc đẩy năng lượng tái tạo tiếp tục phát triển. Đề xuất từ Ủy ban châu Âu, EU cần cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong năm nay, đồng thời họ đang lên kế hoạch sẽ loại bỏ nguồn cung này vào năm 2027. Tìm kiếm các giải pháp thay thế, chính phủ và các tập đoàn lớn của EU đang chung tay thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió. Theo các kế hoạch hiện có, EU sẽ nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 40% mức tiêu thụ cuối cùng vào năm 2030. Mới đây, ngày 10/4/2022, Ủy viên phụ trách vấn đề chính sách khí hậu của EU đã cho biết khối này có thể đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng hơn cho việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, với sáng kiến Repower EU, bao gồm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.

Trước đó, 27 quốc gia thành viên EU đã nhất trí đến năm 2030 sẽ giảm tổng lượng phát thải ròng xuống 55% so với mức năm 1990, cho mục tiêu chung của EU là hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tại Việt Nam, tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt các nguồn năng lượng tái tạo đạt 20.670 MW, chiếm 27% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống (76.620 MW). Tổng sản lượng điện từ năng lượng tái tạo đạt 31.508 tỷ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng toàn hệ thống.

Hiện Bộ Công Thương đang trong quá trình hoàn thiện Quy hoạch điện VIII. Mới nhất, ngày 31/3/2022, Văn phòng Chính phủ đã đưa ra thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về Quy hoạch điện VIII. Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch điện VIII để hoàn thành phê duyệt trong tháng 4/2022. Trong đó, quan điểm xây dựng phải hướng tới phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ, đặc biệt là nâng cao tính tự chủ của ngành năng lượng, giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc vào nước ngoài. Việc này liên quan trực tiếp đến quan điểm khai thác tối đa và hợp lý nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp trong nước cho sản xuất điện như nguồn khí tự nhiên, năng lượng gió, mặt trời, sóng biển…; đồng thời, cân đối sử dụng nguồn LNG nhập khẩu hợp lý.

Riêng đối với điện mặt trời mái nhà đã được đầu tư nếu đúng quy định, đúng mục đích, không lợi dụng cơ chế để trục lợi thì tính toán cân đối cho tiêu dùng điện và không đưa phần công suất 7.755 MW điện mặt trời mái nhà vào phần số liệu tổng công suất nguồn điện trong quy hoạch.

Tham khảo số liệu: Rystad Energy, GWEC, EVN

Nguồn: Vuphong.vn