Cách mạng năng lượng sạch

Cách mạng năng lượng sạch

Hãng tin báo của Pháp đã đánh giá cơ chế Mạng lưới điện TransActive là một trong những sáng kiến góp phần tăng sức bền bỉ của các cộng đồng cư dân, giúp người dân vượt lên trên những khó khăn để cải thiện cuộc sống.


ảnh minh họa

Giới chuyên gia cho rằng đây có thể là bước đầu cho một cuộc cách mạng năng lượng toàn cầu, khi mà các cộng đồng dân cư nắm quyền kiểm soát trực tiếp nguồn tiếp cận năng lượng của mình và thúc đẩy giai đoạn chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch.
Cụ thể, tại thành phố New York của Hoa Kỳ, những gia đình sống tại các khu dân cư Gowanus Canal và Park Slope đã xây dựng một cơ chế gọi là Mạng lưới điện TransActive để trao đổi phần năng lượng mặt trời dư thừa giữa các gia đình, tạo điều kiện cho toàn cộng đồng được sử dụng năng lượng sạch. Mô hình tương tự đã được áp dụng tại Australia, Phần Lan và Nam Phi.
Trong khi đó, báo cáo mới đây từ tổ chức phi lợi nhuận Climate Bonds Initiative (CBI, có trụ sở tại Anh) cho thấy lượng trái phiếu xanh phát hành trên toàn cầu trong năm 2017 đã đạt mức cao kỷ lục 155,5 tỷ USD, vượt mức dự báo trước đó. Tổng giá trị trái phiếu xanh được phát hành trong năm 2017 tăng 78% so với năm 2016.
CBI dự đoán con số này có thể lên 250-300 tỷ USD trong năm 2018 này. Số tiền huy động từ việc phát hành trái phiếu xanh trong năm 2017 chủ yếu được sử dụng vào việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Đáng chú ý là hoạt động đầu tư vào xây dựng các tòa nhà phát thải carbon thấp và có hiệu năng cao có xu hướng tăng trong năm qua.
Mặc dù trái phiếu xanh hiện chỉ chiếm một phần nhỏ trên thị trường trái phiếu toàn cầu, song nó vẫn thu hút nhiều sự quan tâm, trong bối cảnh những mục tiêu về cắt giảm lượng khí thải đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lên tới hàng ngàn tỷ USD từ khu vực công và tư.
Mạng lưới báo chí biến đổi khí hậu và năng lượng cho biết, chi phí sản xuất của năng lượng sạch (nhất là điện gió, điện mặt trời) dự báo sẽ giảm mạnh trong vòng 2 năm tới, có thể làm “khuynh đảo” hệ thống năng lượng toàn cầu. Còn báo cáo mới của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) cho thấy, chi phí sản xuất điện gió trên đất liền đã giảm khoảng 1/4 kể từ năm 2010, trong khi chi phí sản xuất điện mặt trời giảm 73% trong cùng thời gian đó.
Ông Adnan Z. Amin, Tổng giám đốc của IRENA cho biết, động thái mới này cho thấy sự chuyển dịch đáng kể trong mô hình năng lượng. “Sự cắt giảm chi phí do tiến bộ về công nghệ là chưa có tiền lệ và là một minh chứng cho thấy mức độ mà năng lượng tái tạo đang khuynh đảo hệ thống năng lượng toàn cầu” – ông Adnan Z. Amin .
Nghiên cứu dự báo vào năm 2019, các dự án điện gió trên đất liền và các dự án điện mặt trời hiệu quả nhất sẽ phát điện với mức chi phí gần 700 đồng/kWh, thấp hơn nhiều so với chi phí sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch hiện tại. Theo ông Adnan Z. Amin, việc chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất điện không chỉ đơn thuần là một quyết định có ý thức về môi trường, mà hiện nay đã trở thành một quyết định khôn ngoan về kinh tế.
“Các chính phủ trên thế giới đang nhận thức được tiềm năng này và thúc đẩy các chương trình nghị sự về kinh tế carbon thấp được củng cố bởi các hệ thống năng lượng tái tạo. Chúng tôi mong đợi sự chuyển đổi này sẽ có thêm động lực, tạo thêm công ăn việc làm, hỗ trợ tăng trưởng, cải thiện sức khỏe người dân, cũng như tăng cường khả năng thích ứng của quốc gia và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu năm 2018 và những năm tiếp theo” – ông Adnan Z. Amin nhấn mạnh.

Nguồn saigondautu.com