[Chuyện khó tin] Trang trại năng lượng mặt trời ở nơi quanh năm giá lạnh

[Chuyện khó tin] Trang trại năng lượng mặt trời ở nơi quanh năm giá lạnh

Alaska là vùng đất lạnh giá nhất nước Mỹ với thời tiết quanh năm lạnh lẽo. Thế nhưng, tại đây vẫn có trang trại năng lượng mặt trời, điều tưởng như phi thực tế.

Nói đến Alaska, người ta thường nghĩ ngay tới những hình ảnh băng tuyết phủ trắng núi trắng sông, “hộp băng” với những ngày dài rét buốt. Do vậy, hầu như không ai nghĩ đến chuyện dùng điện mặt trời nơi đây. Nhưng ở khu vực phía Bắc nước Mỹ này, vẫn có trang trại năng lượng mặt trời, trong đó Willow là trang trại mới nhất và lớn nhất.

Trang trại mặt trời Willow được thử nghiệm cách đây 2 năm, từ năm 2018, sau đó được mở rộng dần và đến tháng 11/2019 chính thức khánh thành. Nhà máy này gồm 11 hàng pin năng lượng mặt trời, trong đó 9 hàng 133kW và 2 hàng 70kW, được xây dựng trên diện tích 68.000 m2. Công ty đầu tư kỳ vọng trang trại sẽ tạo ra 1,35 MWh điện mỗi năm, đủ cung cấp cho khoảng 120 hộ gia đình.

Giám đốc tài chính Chris Colbert của Công ty điện mặt trời Renewable IPP –  đơn vị đầu tư dự án – cho biết, dự án thử nghiệm của họ ban đầu chỉ có hai hàng pin 70kW, khởi động trong mùa hè 2018. Sau 8 tháng, dự án mang lại lợi nhuận đúng như kế hoạch, điều đó cho thấy trang trại có thể hoạt động với quy mô lớn hơn. Sự thành công ban đầu ấy cũng giúp dự án nhận được sự chú ý của các nhà đầu tư để mở rộng quy mô.

trang-trai-nang-luong-mat-troi-2Dự án trang trại điện mặt trời Willow tại Alaska (Ảnh internet)

Tổng số vốn đầu tư vào dự án trang trại năng lượng mặt trời Willow của Renewable IPP là 1,5 triệu USD. Trong đó, một nửa số vốn đầu tư là vốn tư nhân, phần còn lại được hỗ trợ từ chương trình cho vay của Cơ quan Năng lượng Alaska (Alaska Energy Authority-AEA). Theo đánh giá của AEA, dự án của Renewable IPP là một kế hoạch kinh doanh tốt nên đã cấp vốn cho dự án này trong chưa đầy 6 tháng. Điện mặt trời sản xuất ra được Hiệp hội Điện Matanuska mua theo hợp đồng 30 năm với giá mua vào 5-6 cent/KWh, giá bán ra 8 cent/KWh, lợi nhuận kỳ vọng khoảng 2-3 cent/KWh.

Giá điện ở Alaska cao gần gấp đôi giá điện trung bình của Mỹ, chính vì vậy các công nghệ thay thế rất được quan tâm. Hơn nữa, ở Nam Cực và các vùng xung quanh, tốc độ biến đổi khí hậu nhanh hơn so với các khu vực khác, đặt ra yêu cầu phải nhanh chóng giảm bớt việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch, thay vào đó bằng cách giải pháp năng lượng tái tạo. Bốn đối tác sáng lập Renewable IPP quen biết nhau khi làm việc trong ngành dầu của Alaska. Họ cùng quan tâm đến năng lượng tái tạo, một người trong đó còn thử nghiệm các dự án điện mặt trời tại nhà. Sau khi sản xuất điện cho chính nhà mình, họ đã tìm cách để mở rộng điện mặt trời trong bang. Họ đã sử dụng lại các ống dẫn dầu và gas cũ để xây dựng khung và cấu trúc hỗ trợ cho các tấm pin mặt trời, vừa tiết kiệm chi phí vừa tốt cho môi trường.

Nhóm các nhà đầu tư đã tìm kiếm địa điểm để khởi động dự án trang trại năng lượng mặt trời của mình và chọn khu vực gần đường dây điện hiện hữu, gần đường lớn để thuận tiện giao thông. Để đối phó với mùa đông khắc nghiệt ở Alaska, họ lên kế hoạch để tuyết rơi tự nhiên và thuê người dọn dẹp một phần trong tháng 12 và tháng 1 năm sau. Đến mùa xuân, họ mới dọn tuyết thường xuyên hơn. Họ cũng áp dụng công nghệ các lớp phủ không màu, giúp tuyết trượt khỏi tấm pin mặt trời khi tấm pin đặt nghiêng góc 45 độ. Đây là công nghệ do trường Đại học Alaska thử nghiệm hồi cuối năm 2019.

Tại Alaska và các khu vực phía Bắc nước Mỹ, ánh sáng ban ngày chỉ chiếm một phần nhỏ thời gian trong năm. Có đến gần 85% đất của bang bị đóng băng lâu năm. Thế nhưng, tại đây vẫn có trang trại năng lượng mặt trời hoạt động, chứng tỏ rằng điện mặt trời có thể hoạt động cả ở những điều kiện khó khăn tưởng như không thể là khí hậu phía Bắc và giá lạnh.

Edit: vuphong.vn