Nửa đầu năm 2020: Đầu tư năng lượng tái tạo đạt 132,4 tỉ USD

Nửa đầu năm 2020: Đầu tư năng lượng tái tạo đạt 132,4 tỉ USD

Số liệu báo cáo của Bloomberg NEF, trong nửa đầu năm nay, vốn đầu tư năng lượng tái tạo tiếp tục tăng trưởng, đạt 132,4 tỉ USD (không tính thủy điện), tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong các nguồn năng lượng tái tạo, đầu tư điện gió ngoài khơi có sự tăng trưởng kỷ lục, lên 35 tỉ USD – tăng 319%. Trong khi đó, đầu tư điện gió đất liền giảm 21%, ở mức 37,5 tỉ USD. Nửa đầu năm, điện mặt trời hút 54,7 tỉ USD vốn đầu tư – giảm 12%, năng lượng sinh khối và năng lượng rác hút 3,7 tỉ USD – giảm 34%. Đầu tư vào năng lượng địa nhiệt là 676 triệu USD – tăng 594% so với cùng kỳ năm 2019. Bloomberg NEF lý giải bức tranh đầu tư năng lượng tái tạo trên là do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Dịch bệnh khiến nhiều dự án bị hủy, nhiều chủ đầu tư hủy huy động tài chính và chương trình đấu thầu. Tuy nhiên, đầu tư điện gió ngoài khơi vẫn có sự tăng trưởng kỷ lục do các nhà đầu tư nhìn thấy triển vọng phát triển của các nhà máy điện gió ngoài khơi quy mô lớn, một lý do khác là các thành tựu mới về công nghệ phát triển tuabin gió.

nua-dau-nam-2020-dau-tu-nang-luong-tai-tao-dat-1324-ti-usd-1Năng lượng tái tạo vẫn đang đang hút vốn đầu tư (Ảnh minh họa internet)

Trong nhóm các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư năng lượng tái tạo với nguồn vốn lớn, Trung Quốc là nước “xuống tiền” nhiều nhất với 41,6 tỉ USD, chủ yếu trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Con số này tăng 42% so với cùng kỳ năm 2019. Chính phủ Hàn Quốc thì công bố kế hoạch đầu tư 94,6 tỉ USD cho các dự án xanh, mục tiêu là đưa nền kinh tế giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, phục hồi nền kinh tế sau dịch bệnh. Hàn Quốc đang hướng tới các ngành công nghiệp thân thiện môi trường trên nền tảng kỹ thuật số, đặt chỉ tiêu vào năm 2025 sẽ có 1,13 triệu xe điện và 200.000 xe hydro; mở rộng hệ thống trạm sạc điện và hydro trên quy mô toàn quốc.

Tại Mỹ, ông John Biden – ứng cử viên Tổng thống – đã tuyên bố nếu trúng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống vào gần cuối năm nay thì sẽ chuyển đổi ngành năng lượng Mỹ sang năng lượng tái tạo vào năm 2035. Theo ông này, quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch có thể hút được dòng vốn 2.000 tỉ USD. Ông cũng ủng hộ kế hoạch khuyến khích người dân chuyển đổi xe ô tô chạy xăng dầu truyền thống sang các loại xe động cơ hybrid, xe điện hoặc chạy bằng nhiên liệu hydro.

Mới đây, ngày 09/7/2020, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres trong Hội nghị thượng đỉnh về chuyển đổi năng lượng sạch tổ chức trực tuyến đã kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo trên thế giới chọn con đường năng lượng sạch trong các kế hoạch phục hồi nền kinh tế sau dịch bệnh vì 3 lý do là sức khỏe, khoa học và kinh tế. Ông Antonio Guterres cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc gia hãy cấm nhiên liệu than và nguyên liệu hóa thạch và “phải tính đến rủi ro khí hậu trong các quyết định của mình”.

nua-dau-nam-2020-dau-tu-nang-luong-tai-tao-dat-1324-ti-usd-2Theo Liên Hợp Quốc, nên chọn con đường năng lượng sạch vì sức khỏe, khoa học và kinh tế (Ảnh minh họa internet)

Trong Báo cáo tình hình năng lượng tái tạo toàn cầu 2020 do tổ chức REN21 công bố hồi giữa tháng 6, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong ngành điện thế giới là 26% và có những bước phát triển ấn tượng trong vòng 5 năm trở lại đây, vượt qua tất cả các loại nhiên liệu khác cả về tăng trưởng và khả năng cạnh tranh. Năng lượng tái tạo còn tạo ra các cơ hội việc làm, quyền tự quyết năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm không khí. Các biện pháp phục hồi “xanh” như đầu tư năng lượng tái tạo cũng tiết kiệm chi phí tốt hơn, mang lại lợi nhuận cao hơn so với các biện pháp kích thích kinh tế truyền thống. Chủ tịch REN21 còn nhấn mạnh rằng Chính phủ các quốc gia cần hành động mạnh mẽ hơn, cần tạo ra các quy tắc và môi trường phù hợp để chuyển đổi sang năng lượng dựa trên nhiên liệu tái tạo chứ không đơn thuần là các gói phục hồi kinh tế.

Edit: vuphong.vn