Hợp tác quốc tế giúp doanh nghiệp Việt tham gia sâu lĩnh vực điện gió

Hợp tác quốc tế giúp doanh nghiệp Việt tham gia sâu lĩnh vực điện gió

Thị trường điện gió Việt Nam đang phát triển sôi động bậc nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương và được nhận định sẽ tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ. Điều này mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp Việt tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và cung cấp các dịch vụ phục vụ thị trường…

Dẫn đầu Đông Nam Á về công suất lắp đặt điện gió

Trong xu hướng chuyển dịch năng lượng, điện gió đang có sự phát triển vượt bậc, giúp Việt Nam trở thành thị trường sôi động bậc nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương và dẫn đầu Đông Nam Á trong lĩnh vực này. Từ năm 2020, điện gió tại Việt Nam đã phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng công suất tính theo năm là 70%. Cuối năm 2020, với 600 MW, Việt Nam đã đứng thứ hai trong số các nước ASEAN về công suất lắp đặt điện gió (sau Thái Lan 1.507 MW). 2021 tiếp tục là năm tăng trưởng ấn tượng với ngành công nghiệp điện gió. Tính đến cuối tháng 10/2021, công suất lắp đặt điện gió mới tại Việt Nam đã lên tới 3,98 GW và chắc chắn sẽ đạt hơn 4 GW vào cuối năm nay. Việt Nam đã trở thành quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về công suất lắp đặt điện gió và được dự báo sẽ nằm trong top 10 toàn cầu, đứng thứ 2 khu vực châu Á – Thái Bình Dương về công suất lắp đặt mới.

Nhờ những lợi ích kinh tế – xã hội – môi trường, đặc biệt là vai trò giúp giảm phát thải khí nhà kính, điện gió được nhận định sẽ là một trong những trụ cột quan trọng của hệ thống năng lượng Việt Nam trong tương lai. Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, Phương án điều hành tháng 11/2021 được Bộ Công Thương đưa ra, công suất điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi đều tăng so với Phương án điều hành tháng 3/2021. Trong đó, công suất lắp đặt điện gió trên bờ đến năm 2030 là 17.338 MW (tăng 1.258 MW), điện gió ngoài khơi là 4.000 MW (tăng 1.000 MW). Phương án mới nhất này cũng đưa ra kịch bản công suất nguồn đặt điện gió ngoài khơi là 10 GW vào năm 2035, tăng lên 23 GW vào năm 2040 và đạt 36 GW vào năm 2045.

Với những dự kiến điều chỉnh cơ cấu nguồn điện trong Dự thảo Quy hoạch Điện VIII theo hướng tăng cường năng lượng tái tạo trong đó có điện gió, và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nhiều chuyên gia nhận định sắp tới sẽ có một làn sóng đầu tư vào năng lượng gió tại Việt Nam. Triển vọng phát triển của ngành năng lượng gió cũng mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và cung cấp các dịch vụ phục vụ thị trường.

tang-cuong-noi-dia-hoa-nganh-dien-gioMột trang trại điện gió đã đi vào vận hành trong năm 2021 tại Việt Nam (Ảnh: TTXVN)

Tăng cường nội địa hóa trong ngành điện gió

Tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2021 do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công Thương và Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) tổ chức ngày 30/11, ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương –  chia sẻ “Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của chuyển dịch năng lượng từ hóa thạch sang “điện sạch”, cho nên bên cạnh các chính sách để khuyến khích thì công nghệ năng lượng cũng là định hướng phát triển trong tương lai” và cho rằng cần phải tập trung cho nghiên cứu phát triển, từ việc khảo sát, kỹ thuật, sản xuất, xây lắp… để từng bước nội địa hóa ngành.

Tăng tỷ lệ nội địa hóa chuỗi cung ứng cũng như sự tham gia sâu của các doanh nghiệp Việt trong việc cung cấp các dịch vụ cho ngành điện gió bên cạnh mang lại lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp còn tăng cường khả năng tự chủ trong ngành, đồng thời giúp giảm chi phí cho các nhà đầu tư trong việc xây dựng, vận hành dự án, từ đó thu hút thêm nguồn vốn đầu tư và góp phần đạt các mục tiêu chuyển dịch năng lượng, phát triển bền vững.

Chính vì thế, đón đầu xu thế phát triển điện gió, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam đã quyết định đầu tư nguồn lực và công nghệ để tham gia chuỗi cung ứng của ngành, như đầu tư nhà máy sản xuất thiết bị, tham gia công tác xây dựng, lắp đặt, vận hành, quản lý tài sản… cho nhà máy điện gió. Tuy nhiên, do điện gió mới ở giai đoạn đầu phát triển tại Việt Nam nên nền tảng công nghệ và kinh nghiệm thực tế được xem là “bài toán khó” với các doanh nghiệp trong nước khi cạnh tranh cùng các đơn vị quốc tế. Chính vì vậy, hợp tác quốc tế để tận dụng ưu thế công nghệ và kinh nghiệm của họ, kết hợp với năng lực sẵn có và sự am hiểu thị trường nội địa là giải pháp đang được một số doanh nghiệp lớn lựa chọn để tăng sức cạnh tranh, tham gia phục vụ thị trường. Đây được xem là một “chìa khóa” giúp doanh nghiệp Việt tham gia sâu trong ngành công nghiệp xanh này.

vu-phong-steag-hop-tac-cung-cap-dich-vu-asset-management

Hợp tác Vũ Phong – Steag là một ví dụ điển hình. Steag được biết đến là tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới với hơn 80 năm phát triển. Không chỉ sở hữu hàng loạt các dự án năng lượng với tổng công suất khoảng 7.200 MW, Steag còn khẳng định năng lực trong vai trò là đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ năng lượng chất lượng cao, từ giai đoạn lập kế hoạch phát triển dự án, triển khai xây dựng đến vận hành nhà máy. Đến nay, Steag đã cung cấp các dịch vụ kỹ thuật và công nghệ, phần mềm thông minh cho hơn 100.000 MW các dự án năng lượng khác nhau, trong đó đảm nhiệm vận hành bảo dưỡng và quản lý vận hành cho hơn 11.000 MW. Riêng trong lĩnh vực điện gió, Steag đang theo dõi và tối ưu hóa 1.600 MW trang trại gió, đồng thời sở hữu, vận hành 370 MW trang trại gió ở châu Âu. Đặc biệt, Steag đã phát triển được một hệ thống phần mềm thông minh ứng dụng công nghệ AI, Machine Learning và nền tảng Big Data để giám sát, phân tích dữ liệu theo thời gian thực, giúp các kỹ sư đưa ra được các giải pháp tối ưu công tác vận hành, gia tăng giá trị cho nhà máy điện gió.

Hợp tác Vũ Phong – Steag cho phép tận dụng nền tảng công nghệ với giải pháp kỹ thuật số thông minh, cùng bề dày chuyên môn và kinh nghiệm quốc tế của Steag, kết hợp với đội ngũ kỹ sư Vũ Phong có chuyên môn cao và am hiểu sâu sắc về thị trường địa phương, từ đó mang lại các dịch vụ chất lượng cao với chi phí hợp lý, hỗ trợ tốt nhất cho các chủ đầu tư. Từ đầu năm 2021, Vũ Phong – Steag đã ký kết hợp tác cùng nhau cung cấp các gói dịch vụ Asset Management cho chủ đầu tư điện gió tại Việt Nam. Sắp tới, Vũ Phong – Steag sẽ tiếp tục hợp tác để cung cấp thêm nhiều dịch vụ cho ngành công nghiệp xanh này.

Có thể nói những mối quan hệ hợp tác quốc tế chính là một giải pháp chiến lược để tạo nền tảng vững chắc giúp các doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng ngành, ở cả thị trường trong nước và quốc tế.

Xem thêm:

Nguồn: Vuphong.vn