Giải pháp tài chính và kỹ thuật cho điện mặt trời áp mái

Giải pháp tài chính và kỹ thuật cho điện mặt trời áp mái

Vốn đầu tư và “khoảng trống” chính sách là thách thức đang đặt ra cho các doanh nghiệp có nhu cầu lắp đặt và sử dụng điện mặt trời. Vậy giải pháp cho vấn đề này là gì? Đây là một trong những nội dung đã được thảo luận sôi nổi tại buổi tọa đàm thúc đẩy các mô hình điện mặt trời tại Đồng Tháp diễn ra ngày 21/10/2021.

Cơ hội và thách thức khi phát triển điện mặt trời áp mái ở thời điểm hiện tại

Tại phiên thảo luận về điện mặt trời áp mái trong khuôn khổ tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy mô hình điện mặt trời kết hợp nông nghiệp và Điện mặt trời mái nhà tại cơ sở công, hộ gia đình, khu công nghiệp tỉnh Đồng Tháp”, các chuyên gia về năng lượng và đại diện các Sở, ban ngành tỉnh Đồng Tháp đã trao đổi sôi nổi về các cơ hội và thách thức khi phát triển mô hình điện mặt trời mái nhà tại trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, trong xu thế giá điện sẽ vẫn tiếp tục tăng, việc đầu tư điện mặt trời ở giai đoạn này sẽ giúp tránh được các nguy cơ do chi phí sử dụng điện tăng cao trong tương lai, đặc biệt giảm gánh nặng chi phí điện trong giờ cao điểm buổi trưa cho các doanh nghiệp khu vực công nghiệp, thương mại. Với lợi thế sản xuất – tiêu thụ tại chỗ, giảm áp lực cho hệ thống truyền tải và phân phối, điện mặt trời áp mái được nhận định sẽ tiếp tục được khuyến khích phát triển. Ngoài ra, việc sử dụng nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện các cam kết giảm dấu chân carbon, “xanh hóa” sản xuất, tăng lợi thế cạnh tranh… Đây là các cơ hội thúc đẩy việc ứng dụng điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam nói chung, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nói riêng.

giai-phap-tai-chinh-va-ky-thuat-cho-dien-mat-troi-ap-maiTọa đàm thúc đẩy các mô hình điện mặt trời tại Đồng Tháp do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp tổ chức

Tuy nhiên, vốn đầu tư và “khoảng trống” chính sách là hai vấn đề thách thức đối với các doanh nghiệp có nhu cầu lắp đặt và sử dụng điện mặt trời. Chi phí đầu tư một hệ thống điện mặt trời chất lượng cao với quy mô đáp ứng được sản lượng điện phục vụ sản xuất vốn là một bài toán đặt ra cho nhiều doanh nghiệp, nay càng khó khăn do những tác động của dịch Covid-19. Trong khi đó, sau khi Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg Về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam hết hiệu lực, đến nay chưa có chính sách mới về giá, về ký hợp đồng mua bán điện. “Khoảng trống” chính sách cũng khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để đầu tư lắp đặt nguồn điện sạch này.

Giải pháp thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, khách mời đã cùng nhau thảo luận, đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy điện mặt trời áp mái tại Đồng Tháp. Trong đó, ông Nguyễn Quang Trí – Tổng Giám đốc Vũ Phong Energy Group – đã chia sẻ về giải pháp tài chính mà Vũ Phong đã kết hợp với các quỹ đầu tư tiên phong triển khai từ năm 2019, hiện đang được nhiều doanh nghiệp lựa chọn: mô hình BLT (Build-Lease-Transfer) điện mặt trời.

Với mô hình này, doanh nghiệp hoàn toàn không phải bỏ vốn đầu tư, chỉ cần tận dụng mái nhà máy đang nhàn rỗi, không tốn chi phí và nhân lực để triển khai – vận hành hệ thống. Trong khi đó, doanh nghiệp sẽ được sử dụng điện sạch với giá luôn thấp hơn từ 10-20% so với giá điện từ EVN và được sở hữu toàn bộ hệ thống với công suất bảo đảm lên tới 80-90% sau thời hạn hợp đồng. Do Vũ Phong Energy Group hợp tác với rất nhiều quỹ đầu tư quốc tế nên dù hoạt động trong ngành nghề, lĩnh vực sản xuất nào, doanh nghiệp cũng có thể tham gia mô hình này, dù thực tế mỗi quỹ đầu tư có “khẩu vị” và chiến lược riêng khi lựa chọn doanh nghiệp hợp tác. Đặc biệt, trong thiết kế, thi công lắp đặt hệ thống điện mặt trời, Vũ Phong Energy Group luôn tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất để đáp ứng chất lượng công trình theo yêu cầu nghiêm ngặt của các quỹ đầu tư (chủ yếu là các quỹ đầu tư đến từ châu Âu). Do đó, nhà máy sẽ được sử dụng điện từ hệ thống vận hành ổn định, có chất lượng – tuổi thọ cao, có thể sử dụng 5-10 năm tiếp theo kể từ khi nhận chuyển giao miễn phí lúc kết thúc hợp đồng.

giai-phap-tai-chinh-va-ky-thuat-cho-dien-mat-troi-ap-maiMột hệ thống điện mặt trời mô hình BLT do Vũ Phong Energy Group thi công lắp đặt

Năm 2020, Vũ Phong Energy Group đã thi công lắp đặt rất nhiều hệ thống điện mặt trời áp mái theo mô hình hợp tác BLT. Hiện Vũ Phong cũng đang triển khai nhiều dự án BLT điện mặt trời ở cả miền Bắc, miền Trung và miền Nam.

Tại phiên thảo luận, các chuyên gia và khách mời cũng trao đổi về một số giải pháp kỹ thuật cho điện mặt trời áp mái như giải pháp kiểm soát lượng điện năng được sản xuất ra từ hệ thống mà không phát ngược lên lưới (Zero export) và thảo luận về các cơ hội, thách thức khi phát triển điện mặt trời áp mái tại các trụ sở công.

Trong bối cảnh toàn cầu đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu năng lượng sang năng lượng sạch, bền vững, việc tận dụng tiềm năng và lợi thế tự nhiên để phát triển điện mặt trời nói chung, điện mặt trời áp mái nói riêng sẽ giúp Việt Nam có thêm nhiều lợi thế trong dòng chảy hội nhập, đồng thời giúp các doanh nghiệp Việt đạt được các lợi ích kinh tế cũng như gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Xem thêm:

Nguồn: Vuphong.vn