Doanh nghiệp mong cơ chế linh hoạt cho điện mặt trời mái nhà

Doanh nghiệp mong cơ chế linh hoạt cho điện mặt trời mái nhà

Nếu chính sách dành cho điện mặt trời mái nhà được ban hành và xây dựng linh hoạt sẽ tạo thuận lợi cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp sản xuất sử dụng năng lượng sạch.

Sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng điều kiện hội nhập và mục tiêu xanh hóa trong sản xuất, giảm phát thải công nghiệp đang là xu thế tất yếu. Tuy nhiên do sự ngắt quãng quá lâu của chính sách đã ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh, cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu, nhà đầu tư cung cấp dịch vụ năng lượng tái tạo. Mới đây phóng viên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Trí – TGĐ Công ty Vũ Phong Energy Group xung quanh nội dung này.

doanh-nghiep-mong-co-che-linh-hoat-cho-dien-mat-troi-mai-nhaÔng Nguyễn Quang Trí – Tổng Giám đốc Vũ Phong Energy Group

– Thưa ông, với vai trò là nhà đầu tư, EPC các dự án điện mặt trời mái nhà, ông đánh giá như thế nào về thị trường năng lượng tái tạo hiện nay?

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang dẫn đầu về năng lượng tái tạo (NLTT) và có thị trường NLTT phát triển sôi động. Tiềm năng phát triển của thị trường NLTT còn rất lớn khi đây là xu thế tất yếu, và Việt Nam cũng đang nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị COP26. Nhiều ngân hàng, tổ chức, quỹ đầu tư nước ngoài cũng đã sẵn sàng dành nguồn vốn để tham gia thị trường phát triển NLTT tại Việt Nam.

Đặc biệt, trong bối cảnh hầu hết các tập đoàn sản xuất lớn trên thế giới đều đã tham gia cam kết giảm phát thải, hướng tới Net Zero vào năm 2050, đồng thời yêu cầu các nhà cung ứng thực hiện chuyển đổi năng lượng, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng phải chuyển mình để đáp ứng xu thế. Thực tế, Vũ Phong Energy Group đã và đang đồng hành với nhiều khách hàng, đối tác là các doanh nghiệp đang trong hành trình xanh hóa sản xuất nhằm đáp ứng điều kiện hội nhập.

du-an3394-kwp-blt-vinamilk-mega-binh-duongVũ Phong Energy đã hoàn thành Dự án điện mặt trời hòa lưới 3394 kWp được lắp đặt tại Nhà máy Sữa Việt Nam – siêu nhà máy (Mega factory) hiện đại bậc nhất Việt Nam và khu vực với công nghệ tích hợp và tự động tiên tiến nhất thế giới.

Tuy nhiên, khoảng trống chính sách sau khi Quyết định 13/2020/QĐ-TTg – cơ chế dành cho điện mặt trời hết hiệu lực từ sau 31/12/2020 cũng như cơ chế dành cho điện gió – Quyết định 39/2018/QĐ-TTg hết hiệu lực từ tháng 11/2021 đến nay là một thách thức cho các nhà đầu tư cũng như đơn vị cung cấp các dịch vụ NLTT.

– Qua đó ông có những góp ý như thế nào về cơ chế cho thị trường năng lượng tái tạo và những đề xuất của ông về chính sách phát triển lĩnh vực điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam trong thời gian tới?

Năng lượng tái tạo vẫn đang được khuyến khích phát triển và có nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, rất cần một cơ chế với các chính sách rõ ràng, minh bạch, mang tính liên tục và lộ trình cụ thể để tạo môi trường thuận lợi khuyến khích đầu tư có hiệu quả các nguồn NLTT.

Riêng với điện mặt trời mái nhà, việc xây dựng chính sách phù hợp tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sử dụng năng lượng sạch, xanh hóa sản xuất sẽ không chỉ giúp các doanh nghiệp thực hiện các cam kết về môi trường và phát triển bền vững mà còn đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải của quốc gia.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu tăng tỷ lệ sử dụng NLTT, thậm chí hướng đến sử dụng 100% NLTT. Các mô hình hợp tác như mô hình Build – Lease – Transfer với sự tham gia của các quỹ đầu tư ngoại cũng đang được ngày càng nhiều doanh nghiệp sản xuất lựa chọn. Chính vì vậy, nếu chính sách dành cho điện mặt trời mái nhà được xây dựng linh hoạt (như linh hoạt công suất theo nhu cầu sử dụng và điều kiện lắp đặt, linh hoạt về cơ chế giá…) sẽ tạo thuận lợi cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp sản xuất sử dụng năng lượng sạch.

– Dự thảo Quy hoạch điện VIII có khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà phục vụ các cơ sở sản xuất kinh doanh theo phương thức tự sản xuất tự tiêu dùng tại chỗ không phát lên lưới điện quốc gia. Vậy quan điểm của ông về quyết định này như thế nào, qua đây ông có những mong muốn nào cần đề xuất?

Khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà phục vụ các cơ sở sản xuất kinh doanh theo phương thức tự sản xuất tự tiêu dùng tại chỗ là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nên linh hoạt theo hướng ưu tiên tự sử dụng là chính.

Hiện dự thảo phát triển điện mặt trời mái nhà mà Bộ Công Thương soạn thảo cũng xây dựng theo hướng không hạn chế công suất nhưng đưa ra tỷ lệ tự dùng để bảo đảm hệ thống điện mặt trời mái nhà có tính phân tán, hạn chế phải truyền tải, tránh tổn thất điện năng và tăng đầu tư xã hội. Khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà phục vụ tự dùng là chính, có thể quy định tỷ lệ điện tự sử dụng tại chỗ như khoảng 80% tự sử dụng, 20% sản lượng thừa cho phép bán ra hoặc một tỷ lệ khác phù hợp. Tôi thấy điều này là hợp lý vì vừa đảm bảo mục đích của hệ thống vừa tránh lãng phí điện năng.

Hiện nay, khoảng trống chính sách đã khiến khá nhiều nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp sản xuất khó đưa ra quyết định để phát triển hệ thống năng lượng sạch dù rất nhiều ngành nghề sản xuất rất quan tâm và đã sẵn sàng đầu tư. Do đó, tôi hi vọng sẽ sớm có một khung chính sách phù hợp và đồng bộ dành cho NLTT nói chung và điện mặt trời mái nhà nói riêng.

– Xin cảm ơn ông!

Xem thêm:

(Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp)

Nguồn: Vuphong.vn