Năng lượng tái tạo – trung tâm trong quá trình phục hồi nền kinh tế thế giới

Năng lượng tái tạo – trung tâm trong quá trình phục hồi nền kinh tế thế giới

Năng lượng tái tạo đang tiếp tục thu hút các dòng vốn đầu tư và được dự báo sẽ đóng vai trò trung tâm trong quá trình phục hồi nền kinh tế thế giới hậu COVID-19.

Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới và tác động mạnh đến nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, có thể thấy những dấu hiệu của sự chuyển dịch mạnh mẽ sang cơ cấu năng lượng carbon thấp. Nhiều “ông lớn” cắt giảm chi tiêu và đầu tư nhưng vẫn duy trì mức đầu tư cho năng lượng tái tạo. Chẳng hạn Royal Dutch Shell, dù tuyên bố cắt giảm chi tiêu xuống mức 3-4 tỉ USD và đầu tư xuống dưới 20 tỉ USD vào năm nay nhưng vẫn tăng cường đầu tư vào năng lượng sạch, gồm điện năng, hạ tầng bộ nạp EV cho xe điện và sẽ phát triển kinh doanh năng lượng carbon thấp trong tương lai. Hay BP plc, dù cắt giảm đến 25% chi tiêu xuống còn khoảng 12 tỉ USD nhưng vẫn duy trì mức đầu tư 500 triệu USD cho lĩnh vực năng lượng carbon thấp. Trong khi đó, công ty năng lượng lớn nhất Đan Mạch Ørsted A/S đã chuyển đổi gần như hoàn toàn sang năng lượng sạch (hiện năng lượng tái tạo chiếm đến 90% tổng sản lượng điện của công ty).

Bất chấp dịch bệnh, hàng loạt dự án năng lượng sạch công suất lớn đã được công bố. Có thể kể đến dự án Trung tâm Năng lượng tái tạo châu Á tích hợp điện mặt trời và điện gió lớn nhất thế giới với trị giá lên đến 13,2 tỉ USD, tổng công suất 15GW do một nhóm tập đoàn năng lượng lớn của Australia và châu Á hợp tác thực hiện. Mới đây, Mỹ cũng thông qua một dự án năng lượng mặt trời trị giá 1 tỉ USD tại bang Nevada. Dự án này sẽ được triển khai trên một vùng đất sa mạc rộng khoảng 7.000 mẫu, có thể tạo điện cung cấp cho khoảng 260.000 hộ gia đình. Tập đoàn Năng lượng Abu Dhabi (UAE) cũng đang lên kế hoạch xây dựng dự án năng lượng mặt trời quy mô lớn nhất thế giới và có giá thành rẻ nhất mang tên Al Dhafra, dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa năm 2022.

nang-luong-tai-tao-trung-tam-trong-qua-trinh-phuc-hoi-nen-kinh-te-gioiĐiện mặt trời và điện gió – 2 trụ cột năng lượng tái tạo đang được chú trọng phát triển (Ảnh internet)

Chính phủ các quốc gia đã sẵn sàng kích hoạt các gói hỗ trợ và kích thích kinh tế “khổng lồ” để giúp nền kinh tế phục hồi sớm nhất sau dịch bệnh và có bước đột phá trong thời gian tới. Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng dựa trên năng lượng sạch được xem là cơ hội vừa đáp ứng mục tiêu chống biến đổi khí hậu vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và cải thiện phúc lợi cho con người. Theo nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế (IRENA), cho đến năm 2050, việc chuyển đổi hệ thống năng lượng có thể giúp tăng sản phẩm quốc nội toàn cầu tích lũy cao hơn. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng kêu gọi chính phủ các nước coi năng lượng sạch là trọng tâm của kế hoạch khôi phục kinh tế hậu COVID-19, với hai trụ cột là điện mặt trời, điện gió.

Để thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế và cuộc chuyển đổi năng lượng, theo IEA, các quốc gia cần thực hiện: thiết lập chương trình hành động kết hợp mục tiêu chống biến đổi khí hậu và tạo thêm việc làm; sự tăng cường tham gia của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng tái tạo; ưu tiên xây dựng các trung tâm lưu trữ năng lượng và tăng cường tiết kiệm năng lượng.

Solarstore