Trái Đất có thể quay về kỷ Trias thậm chí còn tệ hơn
Nếu Trái Đất quay về kỷ Trias, thời kỳ khí hậu trở nên nóng và khô, đồng thời xảy ra nhiều cuộc đại tuyệt chủng lớn, con người sẽ khó có thể kịp thích ứng và tiến hóa.
Trang ScienceAlert dẫn công trình nghiên cứu mới nhất cho biết, nếu theo đà tăng lượng CO2 trong bầu khí quyển như hiện nay, Trái Đất có thể sẽ chìm trong bầu không khí của Trái Đất cách đây gần nửa tỷ năm trước.
Bên cạnh đó, nếu như khai thác hết tất cả nhiên liệu hóa thạch hiện có trên hành tinh, vào năm 2250, con người có thể phải đối mặt với nồng độ CO2 trong khí quyển chưa từng thấy trong kỷ Trias cách đây 200 triệu năm trước. Thậm chí tới năm 2400, lượng CO2 này có thể vượt mọi mức ghi nhận trong Hồ sơ địa chất.
Theo Wikipedia, kỷ Trias hay kỷ Tam Điệp là một kỷ địa chất kéo dài từ khoảng 200 đến 251 triệu năm trước. Là kỷ đầu tiên của Đại Trung Sinh, kỷ Trias kế tiếp kỷ Permi và kế tiếp nó là kỷ Jura. Kỷ Trias mở đầu và kết thúc đều bằng các sự kiện tuyệt chủng lớn. Trong đó, cuối kỷ Trias là khoảng thời gian đánh dấu sự xuất hiện của loài khủng long tiến hóa trong kỷ Jura.
Tuy nhiên bản chất của Kỷ Trias khá khắc nghiệt nếu không muốn nói khó sống.
Nhằm đánh giá lượng carbon trong bầu khí quyển đã thay đổi như thế nào trong vòng 420 triệu năm qua, các nhà nghiên cứu tại ĐH. Southampton (Anh) đã biên soạn và kết hợp khoảng 1.500 ước tính về nồng độ CO2 trong khí quyển từ 112 nghiên cứu đã được công bố. Nhà địa hóa học Gavin Foster thuộc ĐH. Southampton cho biết, nhóm nghiên cứu đã ghép nối tất cả các dữ liệu thành một bản ghi liên tục về nồng độ CO2 trong khí quyển thời cổ đại.
Bản ghi và các phân tích đều chỉ ra, nồng độ CO2 hiện nay vẫn thấp hơn so với những thời điểm nhiệt độ gia tăng trong lịch sử Trái Đất, mặc dù vậy nồng độ này đang tăng lên theo thời gian.
Thực tế, nồng độ CO2 ở mức 280 phần triệu (ppm) trong giai đoạn tiền công nghiệp hóa nhưng con số này đã tăng vượt mức 400 ppm cho tới nay, theo số liệu năm 2016. Nhìn tổng quan, con số này vẫn thấp hơn đáng kể so với thời kỳ xảy ra hiệu ứng nhà kính mạnh mẽ nhất của Trái Đất, lúc đó nồng độ CO2 thậm chí đã chạm ngưỡng 3.000 ppm.
Tuy nhiên ngoài tốc độ phát thải CO2 khủng khiếp do con người tạo ra trong hai thế kỷ qua, có một yếu tố khác còn đáng lo ngại hơn đã nảy sinh.
Nhà nghiên cứu khí hậu Dan Lunt thuộc ĐH. Bristol, Anh Quốc cho biết, do phản ứng hạt nhân trong các ngôi sao, cụ thể là Mặt Trời đang trở nên mạnh hơn theo thời gian, điều này dẫn tới tác động của ánh sáng Mặt Trời và nồng độ CO2 cao trong bầu khí quyển dần trở nên khắc nghiệt hơn.
Trước đây, mặc dù nồng độ CO2 trong khí quyển cao nhưng năng lượng tỏa ra từ Mặt Trời vẫn còn khá thấp. Nói cách khác, mức năng lượng mặt trời ảnh hưởng đến bầu khí quyển của Trái Đất (đang tăng dần) từ hàng triệu năm trước không đáng lo ngại, chủ yếu do lượng CO2 trong khí quyển vẫn còn khá thấp.
Nhưng thực tế hiện nay, nồng độ CO2 đã và đang tăng lên không ngừng dẫn tới sự tương tác với nguồn năng lượng Mặt Trời tạo nên hiệu ứng nhà kính cực kỳ nguy hiểm.
Nếu tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch, các nhà nghiên cứu ước tính, lượng CO2 trong khí quyển có thể đạt tới 2.000 ppm vào năm 2250, mức không tưởng cách đây 200 triệu năm trước trong kỷ Trias, kỷ khô nóng cực đại và không hề có băng ở hai cực.
Trong một môi trường khắc nghiệt như vậy, sẽ thật khó để nói chắc chắn về cuộc sống của hàng tỷ con người đang sinh sống hiện nay trong tương lai sẽ ra sao?
Một nghiên cứu công bố vào năm 2015 cho thấy, nếu con người quay lưng với năng lượng tái tạo và tiếp tục khai thác cạn kiệt nhiên liệu hóa thạch và xả thải CO2 liên tục vào bầu khí quyển như hiện nay, toàn bộ băng Nam Cực sẽ tan chảy hết. Mực nước biển thậm chí có thể tăng lên 60 mét, đủ cao để nhấn chìm toàn bộ các thành phố trong biển nước mênh mông.
Và đây cũng chỉ là một nghiên cứu nhỏ trong số rất nhiều những nghiên cứu đã và đang khiến con người phải giật mình, đồng thời suy xét lại những hành động đã đáp trả thiên nhiên trong hàng triệu năm qua.