Hệ thống pin mặt trời có giảm hiệu suất khi sử dụng không?
Nếu sau một thời gian sử dụng mà hệ thống pin mặt trời suy giảm hiệu suất nhiều thì sẽ ảnh hưởng đến sản lượng điện tạo ra, từ đó làm giảm hiệu quả đầu tư.
Đây là mối e ngại của không ít người trước khi xuống tiền đầu tư hệ thống điện mặt trời cho gia đình, doanh nghiệp, nhà xưởng… Tuy nhiên, rất may, điều này hầu như không xảy ra.
Sự suy giảm hiệu suất tự nhiên của pin mặt trời
Hệ thống pin mặt trời với những tấm pin thường có tuổi thọ khoảng 30-50 năm trước khi ngừng hoạt động. Trong quãng đời miệt mài biến ánh sáng mặt trời thành điện của mình, sau thời gian dài chịu sự tác động của nhiệt độ cao, mưa gió, thậm chí cả tuyết và mưa đá, các tấm pin mặt trời sẽ có sự suy giảm hiệu suất tự nhiên. Sự suy giảm này khác nhau theo chất liệu cấu thành. Ví dụ, pin mặt trời đơn tinh thể (Mono-Si) có độ suy giảm hiệu suất thấp hơn so với pin đa tinh thể (Poly-Si), tuy nhiên không quá đáng kể. Pin quang điện tập trung (CPV) có hiệu suất rất cao và hiệu suất suy giảm theo thời gian rất thấp.
Pin mặt trời Mono-Si thường có độ suy giảm hiệu suất thấp hơn so với pin Poly-Si (Ảnh minh họa internet)
Tuy nhiên, nhìn chung, sự suy giảm hiệu suất mỗi năm của các tấm pin năng lượng mặt trời thường ở mức chỉ 0,7-1%. Hầu hết các nhà sản xuất uy tín đều đảm bảo hệ thống pin mặt trời của mình có tỷ lệ suy giảm hiệu suất tối đa 10% trong 10-12 năm đầu và tối đa 20% sau 25 năm sử dụng. Họ cũng không ngừng cải tiến công nghệ để tỷ lệ suy giảm này ngày càng thấp. Chẳng hạn như hãng LG Solar áp dụng công nghệ LiLY giúp nhiều sản phẩm của hãng này có mức suy giảm hiệu suất mỗi năm chỉ còn 0,46%. Nhờ vậy, LG Solar đã “mạnh tay” bảo hành hiệu suất cho sản phẩm của mình lên tới 90% sau 25 năm sử dụng. Tuy vậy, trên thực tế, hiệu suất của các tấm pin chất lượng cao cũng chỉ suy giảm khoảng 6-8% sau 25 năm.
Một số hãng pin mặt trời có chế độ bảo hành hiệu suất sản phẩm lên tới 25 năm (Ảnh minh họa)
Do đó, có thể thấy, sự suy giảm hiệu suất tự nhiên theo thời gian của các tấm pin mặt trời là không đáng kể. Nếu sau một thời gian sử dụng, pin mặt trời suy giảm hiệu suất nhanh, có thể đến từ nguyên nhân khác.
Nguyên nhân khiến hệ thống pin mặt trời giảm hiệu suất nhanh
Nguyên nhân thường gặp nhất khiến hệ thống pin mặt trời giảm hiệu suất rõ rệt, thậm chí hỏng hóc chỉ sau một vài năm sử dụng là pin chất lượng kém. Trên thị trường có nhiều loại pin mặt trời được nhập khẩu từ Trung Quốc có giá rất rẻ (dù ghi là Technology in Germany, Technology in USA, Technology in Japan…). Hầu hết chúng được được lắp ghép từ các cells thải (cells loại) có độ nứt gãy cao và không đồng nhất khi chụp qua máy EL. Sau một thời gian sử dụng (từ 1 đến vài năm), dễ xảy ra hiện tượng mất áp khiến tuổi thọ của chúng giảm rất nhanh do các vết nứt gãy bên trong giãn nở dưới nắng nóng (các cells của tấm pin mặt trời được nối tiếp với nhau nên hỏng 1 cell nghĩa là hỏng cả tấm pin). Do vậy, người đầu tư không nên vì giá rẻ mà mua và sử dụng pin mặt trời kém chất lượng, dẫn đến thay vì dùng được 30-50 năm thì lại chỉ được vài năm.
Nên sử dụng pin mặt trời của thương hiệu uy tín để đảm bảo chất lượng và yên tâm khi bảo hành (Ảnh minh họa internet)
Ngoài ra, có một số nguyên nhân khác khiến hệ thống pin năng lượng mặt trời đột ngột bị suy giảm hiệu suất và sản lượng điện tạo ra như bóng che, nứt vỡ do tác động của ngoại lực, nhiều rác hay lá cây trên bề mặt pin (sau khi có bão hoặc dông lốc chẳng hạn)… Bạn có thể tham khảo bài viết sau để hiểu rõ thêm và biết cách phòng tránh, khắc phục:
Để đảm bảo chất lượng và tuổi thọ của hệ thống pin mặt trời, tránh nguy cơ pin suy giảm hiệu suất nhanh ảnh hưởng đến lợi nhuận đầu tư, tốt nhất chỉ nên chọn mua, lắp đặt và sử dụng những sản phẩm vật tư chất lượng của đơn vị sản xuất uy tín; không nên vì ham rẻ mà sử dụng sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng vận hành hệ thống, nên chú ý bảo dưỡng, vệ sinh định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc tư vấn của đơn vị lắp đặt; thường xuyên theo dõi sản lượng điện tạo ra để phát hiện sự cố (nếu có) và khắc phục kịp thời.
Nguồn: Solarpower.vn