Sức hút của điện mặt trời đối với các nhà đầu tư
Với nhiều chính sách ưu đãi và tạo mọi thuận lợi cho nhà đầu tư của Chính phủ, Việt Nam đang được xem là thị trường trọng tâm thu hút các doanh nghiệp lớn trong ngành năng lượng mặt trời trên khắp thế giới đầu tư.
Bứt phá của các doanh nghiệp nội
Việt Nam hiện đã có 82 dự án điện mặt trời với tổng công suất 4.460 MW đã hòa vào lưới điện quốc gia và điện mặt trời chiếm khoảng 8,28% tổng sản lượng điện cả nước. Ngoài ra, hiện cũng có khoảng 13 dự án đang được hoàn thành với tổng công suất 630 MW, dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động cuối năm 2019.
Điển hình, Tập đoàn BIM Group đã khánh thành cụm nhà máy điện mặt trời tại Thuận Nam và hòa lưới điện quốc gia với công suất 330 MW sau hơn 9 tháng chính thức thi công. Đây là tổ hợp nhà máy năng lượng điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á đi vào hoạt động và dự kiến sản xuất khoảng 600 triệu kWh/năm.
Tập đoàn Thành Thành Công, một trong những đơn vị phát triển các dự án điện mặt trời lớn nhất cả cả nước, đã đưa vào hoạt động 2 nhà máy tại Phong Điền, Thừa Thiên Huế (35 MW) và Krong Pa (49 MW).
Trong tháng 6/2019, Công ty Cổ phần TTP Phú Yên cũng đã tổ chức lễ khánh thành, chính thức đưa vào vận hành Nhà máy điện mặt trời Hòa Hội tại xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa (Phú Yên). Đây là dự án năng lượng tái tạo lớn nhất trên địa bàn tỉnh Phú Yên với tổng vốn lên đến 4.985 tỷ đồng.
Rất nhiều địa phương trong cả nước đặc biệt là khu vực miền Nam và miền Trung, như Long An, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Tây nguyên, Tây Ninh đang có nhiều chính sách về quỹ đất, tài chính để tạo động lực cho các nhà đầu tư trong nước. Điển hình nhất là tỉnh Long An có tới 16 dự án điện mặt trời đã và đang triển khai trên địa bản tỉnh với tổng công suất 1.072 MW.
Mới đây, Nhà máy điện năng lượng mặt trời BCG – CME Long An 1 được xây dựng tại xã Thạnh An, huyện Thanh Hóa (Long An) cũng đã chính thức đi vào hoạt động và hòa mạng lưới điện quốc gia. Đây là một trong những nhà máy năng lượng mặt trời đầu tiên của tỉnh Long An được xây dựng trên diện tích hơn 50 ha, có công suất 40,6 MWp, với 123.000 tấm pin năng lượng mặt trời với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng.
Hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại
Theo ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương), trong những năm gần đây, thị trường Việt Nam nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của các doanh nghiệp lớn trên thế giới trong ngành năng lượng mặt trời và sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, nhà sản xuất và nhà thầu tham gia mạnh mẽ vào thị trường. Với việc Nhà nước đang nghiên cứu mức giá điện mặt trời mang tính kinh doanh sẽ là động lực mạnh mẽ để thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư, thị trường công nghiệp điện mặt trời trong thời gian sắp tới.
Có thể nói Việt Nam đang nổi lên trở thành điểm đến tiềm năng cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Theo số liệu mới nhất, tính đến nay đã có hàng trăm dự án điện mặt trời được đăng ký đầu tư vào Việt Nam với tổng công suất nguồn lên tới 17.000 MW.
Nổi lên nhất là các nhà đầu tư Thái Lan với chính sách đầu tư mua lại cổ phần các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Đó là, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Thái Lan (EXIM Thailand) đã công bố tăng thêm 65 triệu USD cho 2 công ty Eastern Power Group Plc và Communication & System Solution Plc để cấp vốn cho việc xây dựng 2 nhà máy điện mặt trời tại Phú Yên với công suất phát điện kết hợp khoảng 100 MW.
Hay như trong năm 2018, Tập đoàn năng lượng B.Grimm Power PLC của Thái Lan đã ký thỏa thuận mua 80% cổ phần tại Công ty cổ phần TTP Phú Yên, chủ đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời công suất 257 MW tại Phú Yên. Trước đó, nhà đầu tư này cũng hợp tác với một công ty trong nước để xây dựng dự án điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á tại tỉnh Tây Ninh.
Mới đây nhất, vào đầu tháng 3/2019, Tập đoàn Quadran International (Pháp) và đối tác Tập đoàn Trường Thành Việt Nam, cũng đã ký kết hợp tác tín dụng cho Dự án Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp. Dự án này đã được khởi công từ tháng 9/2018, có quy mô công suất 50 MWp, đặt tại tỉnh Bình Định. Sản lượng điện năng dự kiến của dự án vào khoảng 76.500 MWh mỗi năm.
Hiện nay, Quadran International cũng đang triển khai 2 dự án năng lượng mặt trời tại các tỉnh Bình Định và Khánh Hòa, với tổng công suất 85 MW và dự kiến tiếp tục đầu tư xây dựng từ 100-200 MW mỗi năm.
Bên cạnh đó, còn có hàng loạt các dự án đến từ các nhà đầu tư nước ngoài như: Nhà máy Tata Power công suất 300 MW tại Hà Tĩnh, Nhà máy Hanwha công suất 100-200 MW tại Thừa Thiên Huế, Nhà máy GT & Associates và Mashall & Street Ltd công suất 150 MW tại Quảng Nam.
Với việc ban hành các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Chính phủ Việt Nam sẽ đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư năng lượng mặt trời ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nguồn: Báo Chính Phủ