Sản xuất đèn led vẫn còn nhiều rào cản
Đèn led có xuất sứ từ Trung Quốc hiện đang chiếm hơn 70% thị phần tại thị trường Việt Nam (VN). Trong đó, cơ chế đầu tư vào lĩnh vực này còn nhiều rào cản.
Dây chuyền sản xuất đèn led của Duhal với tỷ lệ nội địa hóa lên tới 95%.
Theo nhận định của một chuyên gia ngành năng lượng, tại VN, hiện nay có khoảng 200 DN sản xuất, kinh doanh bóng đèn led nhưng đa phần các DN chỉ sản xuất được một phần thiết bị hoặc lắp ráp, hoặc nhập về dán logos rồi bán ra thị trường. Mới có 3 DN có thể tự sản xuất được đèn led là: Duhal, Điện Quang và Rạng Đông.
Phó Chủ tịch thường trực Hội Chiếu sáng Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Thăng nhấn mạnh, hiện công nghệ chiếu sáng LED vẫn quá đắt so với các công nghệ chiếu sáng truyền thống khác.
Ngoài ra, chất lượng sản phẩm chiếu sáng LED nhập từ Trung Quốc hoặc có cơ sở trong nước nhập linh kiện về lắp ráp, sao chép giản đơn, gây ấn tượng xấu với những quảng cáo phóng đại là những rào cản khiến LED chưa được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam.
Chính vì vậy, để đèn LED có thể chiếm lĩnh thị trường, đã đến lúc cần ban hành các cơ chế chính sách như cơ chế huy động các nguồn vốn đầu tư; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, nghiên cứu áp dụng đèn LED trong chiếu sáng đường phố; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sử dụng tiết kiệm điện và sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao cũng như xây dựng chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho các công ty chiếu sáng bao gồm đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý… nhằm bảo dưỡng đèn LED trong chiếu sáng đạt hiệu quả cao.
Ngoài ra, giải pháp nào để ngày càng nhiều người dân, DN sử dụng đèn led vẫn là một bài toán khó bởi vì giá thành của các loại đèn này vẫn tương đối cao so với đèn huỳnh quang vì hiện rất ít DN trong nước tự sản xuất được. Trong khi đó, việc nhập khẩu đèn led từ nước ngoài nhằm thay thế toàn bộ thiết bị chiếu sáng là một vấn đề quá xa xỉ đối với những DN có quy mô sử dụng hệ thống đèn led số lượng lớn.
Theo ông Huỳnh Dũng Sáng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Duhal, muốn kích thích DN chuyển đổi thì phải sớm làm được ba việc: Một là các DN nội cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa nguồn vốn và công nghệ sản xuất đèn led để giảm hàng nhập; Hai là, Nhà nước cần can thiệp mạnh bằng việc giảm thuế nhập khẩu cho các mặt hàng này nhằm hạ giá thành sản phẩm; Ba là, cần sớm thành lập quỹ môi trường để thu hút vốn đầu tư, phát triển công nghệ đèn led ngay trong nước ta.
Cũng theo ông Sáng, chi phí trong vấn đề chuyển đổi là yếu tố quan trọng hàng đầu. Hiện việc tiếp cận được những khoản vay tín dụng ưu đãi cho các dự án tiết kiệm năng lượng trong đó có đèn led vẫn còn khá hạn chế. Chúng ta mới chỉ có chương trình hỗ trợ 30% tổng vốn đầu tư về dây truyền công nghệ, thiết bị hiệu suất cao cho các DN và không quá 5 tỷ đồng cho một DN.
Chương trình này ngay từ khi khởi xướng đã không thu hút các DN đầu tư thay đổi dây truyền công nghệ vì mức hỗ trợ này là khá thấp so với tổng mức đầu tư của DN. Cùng với đó, giá năng lượng trong nước còn thấp so với các nước trong khu vực nên ảnh hưởng đến việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng.