Pin năng lượng mặt trời cho những phương tiện giao thông hiện đại

Pin năng lượng mặt trời cho những phương tiện giao thông hiện đại

Nếu thế kỷ 20 là thế kỷ của nền kinh tế năng lượng hóa thạch thì thế kỷ 21 mở đầu cho kỷ nguyên của năng lượng tái tạo. Có thể thấy sự thay đổi này trên cả các phương tiện giao thông, nhờ sự ứng dụng những tấm pin năng lượng mặt trời.

Xe ô tô năng lượng mặt trời

Từ phát minh cá nhân đến các nghiên cứu bài bản của các hãng sản xuất xe ô tô trên thế giới, những mẫu xe điện vận hành nhờ tấm pin năng lượng mặt trời lần lượt “trình làng”. Trong đó, phải kể đến mẫu xe ô tô điện đầu tiên được đưa vào vận hành thương mại của hãng Lightyear (Hà Lan). Mẫu xe tuyệt đẹp với tên gọi Lightyear One hoạt động nhờ vào nguồn năng lượng tạo ra từ các tấm pin mặt trời trên mui xe, dưới lớp kính an toàn. Mỗi lần sạc đầy, xe có thể chạy được 725km, có thể tăng tốc 0-100km/h trong 10 giây. Dự kiến xe sẽ được chính thức bán ra thị trường vào năm 2021, bắt đầu từ thị trường châu Âu.

Thuyền năng lượng mặt trời

Lịch sử đường hàng hải từng ghi nhận chuyến thám hiểm Đại Tây Dương của con tàu năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới MS Turanor Planet Solar. Con tàu này được lắp đặt 800 tấm pin năng lượng mặt trời, phủ đầy mặt boong có diện tích 500m2. Điện mặt trời tạo ra từ các tấm pin sẽ được sạc cho hệ thống ắc quy phía dưới, giúp con tàu có thể hoạt động liên tiếp 3 ngày đêm khi không được chiếu sáng. Chuyến thám hiểm này kéo dài 3 tháng, đi qua nhiều thành phố lớn của nhiều quốc gia, đưa các nhà khoa học khí tượng hàng đầu thế giới đi kiểm tra mẫu nước, mẫu không khí để xác định tình trạng biến đổi khí hậu. Hiện nay, thuyền sử dụng năng lượng mặt trời đã trở nên phổ biến, thậm chí trở thành phương tiện đường thủy chính ở nhiều địa phương trên thế giới.

Tàu hỏa năng lượng mặt trời

Năm 2005, Ý đã trình diễn tàu hỏa sử dụng năng lượng mặt trời đầu tiên của châu Âu. Các tấm pin năng lượng mặt trời cung cấp năng lượng cho máy điều hòa không khí, hệ thống chiếu sáng và hệ thống an toàn cho tàu. Dù với dự án này nguồn năng lượng tái tạo chưa thể giúp tàu chạy nhưng cũng thúc đẩy những nghiên cứu, ứng dụng tiếp theo. Năm 2018, tàu hỏa năng lượng mặt trời đầu tiên trên thế giới được Australia đưa vào vận hành và lập kỷ lục Guinness Thế giới. Những tấm pin mặt trời cong lắp trên nóc tàu sản xuất điện nạp vào ắc quy giúp tàu chạy. Tàu chở được 100 hành khách với tần suất 1 giờ/chuyến.

pin-nang-luong-mat-troi-cho-nhung-phuong-tien-giao-thong-hien-dai-1Tàu hỏa chạy bằng năng lượng mặt trời tại Australia (Ảnh internet)

Máy bay năng lượng mặt trời

Điện mặt trời không chỉ được ứng dụng trong đường bộ, đường thủy mà cả ở đường hàng không. Từ tháng 3 năm 2015, chiếc máy bay năng lượng mặt trời Solar Impulse 2 đã khởi hành chuyến bay vòng quanh thế giới. Vượt qua chặng đường 40.000km với hơn 500 giờ bay, Solar Impulse 2 đã đáp xuống Abu Dhabi vào ngày 26/7/2016, hoàn thành chuyến bay lịch sử. Năm 2018, chiếc máy bay chạy bằng năng lượng Mặt Trời Zephyr S của hãng Airbus đã xác lập kỷ lục thế giới là chuyến bay dài nhất trong lịch sử không tiếp nhiên liệu với hành trình bay hơn 25 ngày.

pin-nang-luong-mat-troi-cho-nhung-phuong-tien-giao-thong-hien-dai-3

Với những tấm pin quang năng được lắp kín trên khắp sải cánh dài 25m, Zephyr S đã hoạt động hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời. Hay mới đây, Australia đã thử nghiệm thành công mẫu máy bay không người lái bằng năng lượng mặt trời PHASA-35. Nhờ trọng lượng siêu nhẹ (150kg) và các tấm pin năng lượng mặt trời bao phủ sải cánh 35m, chiếc máy bay này có thể vận hành liên tục 1 năm. Sau khi kết thúc các cuộc thử nghiệm vào cuối năm 2020, PHASA-35 có thể bắt đầu được thương mại hóa trong vòng 12 tháng.

Solarstore