Lắp đặt điện mặt trời áp mái để tiết kiệm điện theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ

Lắp đặt điện mặt trời áp mái để tiết kiệm điện theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ

Theo Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ, cả nước phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ. Lắp đặt điện mặt trời áp mái là một trong các giải pháp tiết kiệm điện được nêu trong Chỉ thị này.

Theo Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 07/5/2020, mọi tổ chức, cá nhân được yêu cầu nghiêm túc thực hiện việc tiết kiệm điện, cả nước phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ. Trong đó, với các hộ gia đình, khuyến khích sử dụng các thiết bị điện được dán nhãn năng lượng theo Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg; thường xuyên thực hành hành vi sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại gia đình như:

  • Tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng và cắt hẳn nguồn điện khi không sử dụng;
  • Chỉ sử dụng máy điều hòa khi thật cần thiết;
  • Ưu tiên sử dụng các phương tiện, thiết bị điện hiệu suất cao hoặc có dán nhãn tiết kiệm năng lượng;
  • Hạn chế tối đa sử dụng bóng đèn sợi đốt;
  • Lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái, hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời.

lap-dat-dien-mat-troi-ap-mai-de-tiet-kiem-dien-theo-chi-thi-cua-thu-tuong-chinh-phu-1Lắp đặt điện mặt trời áp mái là một trong các giải pháp tiết kiệm điện năng được khuyến khích trong Chỉ thị 20

Chỉ thị 20 được đưa ra trong bối cảnh nguồn cung ứng điện giai đoạn 2020 – 2025 gặp nhiều thách thức: thủy điện đang bị ảnh hưởng bất lợi do biến đổi khí hậu; sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào năng lượng nhập khẩu; nguồn điện mặt trời, điện gió vẫn còn hạn chế về quy mô và còn nhiều rào cản kỹ thuật trong khai thác, sử dụng; nhiệt điện gặp nhiều khó khăn trong mở rộng đầu tư. Trong khi đó, nhu cầu điện vẫn tiếp tục tăng ở mức cao, bình quân 10%/năm. Tiết kiệm điện và tiếp tục phát triển năng lượng tái tạo để mở rộng nguồn cung điện được xem là giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế đất nước trong thời gian tới.

Thực tế, nhờ những lợi ích thiết thực về kinh tế, điện mặt trời áp mái ngày càng được nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp đầu tư, có sự tăng trưởng nhanh về số lượng cũng như quy mô lắp đặt. Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến quý 1 năm nay, cả nước đã có 26.146 công trình điện mặt trời áp mái, tổng công suất 521,8 MWp, tập trung chủ yếu ở kinh tế động lực phía Nam. Trong đó, khu vực công nghiệp có công suất lắp đặt cao nhất (chiếm 54%), sau đó đến khu vực hộ gia đình (29%), cuối cùng là khu vực thương mại và hành chính sự nghiệp (lần lượt là 12% và 5%). Tuy nhiên, con số này còn chưa đáng kể so với tiềm năng phát triển điện mặt trời áp mái ở nước ta. Vì thế, Nhà nước vẫn đang khuyến khích các cá nhân hộ gia đình, doanh nghiệp tham gia phát triển, lắp đặt điện mặt trời áp mái với nhiều cơ chế, chính sách.

Với mỗi hộ gia đình, lắp đặt điện mặt trời áp mái không chỉ là một giải pháp tiết kiệm tiền điện mỗi tháng và là một hình thức đầu tư sinh lời an toàn, không rủi ro mà còn thể hiện trách nhiệm với đất nước, xã hội khi chấp hành tốt Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần bảo vệ an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ hệ sinh thái bền vững, chống biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường.

Solarstore