Giá điện gió thấp khó thu hút nhà đầu tư

Giá điện gió thấp khó thu hút nhà đầu tư

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về năng lượng gió. Tuy nhiên, đến nay số dự án điện gió đang hoạt động tại Việt Nam chỉ “đếm được trên đầu ngón tay”. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, mức giá điện gió hiện tại của Việt Nam còn quá thấp, không hấp dẫn được doanh nghiệp đầu tư vào điện gió.

Giá điện gió tại Việt Nam còn thấp
Ngày 7/12, tại Hà Nội, Đại sứ quán Đan Mạch phối hợp với Công ty Vestas châu Á – Thái Bình Dương tổ chức hội thảo về phát triển năng lượng điện gió tại Việt Nam “Đầu tư và lợi nhuận từ điện gió”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Hưng – Phòng Kinh tế, Dự báo và quản lý nhu cầu năng lượng, Viện Năng lượng Việt Nam cho biết, theo một số đánh giá gần đây thì tiềm năng về năng lượng gió và mặt trời của Việt Nam là tương đối lớn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại việc khai thác những tiềm năng này cho phát điện còn rất hạn chế so với tiềm năng và so với mục tiêu trong quy hoạch, chiến lược mà Chính phủ đã đặt ra.
Theo ông Hưng, sở dĩ nhà đầu tư chưa mặn mà với đầu tư điện gió là do giá của điện gió của Việt Nam hiện nay còn quá thấp. Hiện tại, cơ chế hỗ trợ lớn nhất cho các nhà đầu tư phát triển điện gió, điện mặt trời là giá mua điện cố định cho các nhà máy đối với điện mặt trời là 9,35 cent/KWh và đối với điện gió là 7,8 cent/KWh.
Với điện mặt trời, mức giá hiện tại tương đối hấp dẫn các nhà đầu tư với số lượng đăng ký các dự án điện mặt trời tương đối khả thi. Còn đối với điện gió, biểu giá cố định hiện tại là  thấp để hấp dẫn các nhà đầu tư.
Là một nhà đầu tư điện gió tại Việt Nam, ông Mai Văn Huế, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàn Cầu cho biết, hiện nay trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Chính phủ không thể mua được giá điện gió cao như các nước như Thái Lan, Hàn Quốc khoảng 25 cent/kWh mà  chỉ là 7,8 cent/kWh, ngang với giá điện than.
Theo ông Huế, Tân Hoàn Cầu đang đầu tư thành công tại dự án điện gió Hướng Linh (Hướng Hóa- Quảng Trị) là nhờ vay được nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng của Đức và tự bản thân doanh nghiệp thi công dự án, nên với mức giá 7,8 cent/KWh thì doanh nghiệp chỉ có lãi một chút. Thậm chí, với mức giá này nhiều doanh nghiệp sẽ lỗ vốn khi đầu tư. Vì vậy, các nhà đầu tư quan ngại về hiệu quả kinh tế và khả năng thu hồi vốn khi đầu tư vào những dự án này khiến cho chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào điện gió.
Cân nhắc xây dựng biểu giá mới cho điện gió
Theo ông Hưng, mặc dù chúng ta muốn đưa mức giá mua điện cố định lên cao hơn, nhưng hiện tại EVN là đơn vị mua điện từ thị trường thì giá mua điện từ thị trường thấp hơn so với giá mua điện gió. Ví dụ như năm 2016 giá mua điện trung bình từ thị trường là 6,2 cent/KWh. Nếu tăng lên giá điện gió hơn mức hiện tại nữa thì phải tính đến chi phí bù đắp mức chênh lệch này, đó là bài toán không dễ.
Ông Hưng cho hay, trong “Quy hoạch điện 7 hiệu chỉnh”, mục tiêu đạt tổng công suất điện gió 6.000 MW vào 2030 là con số rất tham vọng. Do đó, vẫn còn phải chờ xem những tín hiệu giá trong biểu giá cho những nhà máy điện gió sắp tới có đủ hấp dẫn nhà đầu tư không và sự cam kết hỗ trợ của Chính phủ và các ngân hàng trong nước để giảm chi phí sản xuất điện gió.
Theo bà Vũ Chi Mai – cán bộ cao cấp của chương trình hỗ trợ năng lượng MOIT/GIZ thuộc Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), năng lượng tái tạo có tiềm năng rất lớn nhưng cũng phải đặt năng lượng tái tạo trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam về cơ sở hạ tầng lưới điện. Để thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển điện gió, việc phát triển lưới điện là vấn đề rất quan trọng.
Bên cạnh hạ tầng, việc có các chính sách phù hợp ví dụ như: Cơ chế giá nào? thúc đẩy điều kiện cho vay vốn nào là phù hợp? vì hiện nay điều kiện cho vay vốn của Việt Nam vẫn chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư. Ngoài ra, những vấn đề liên quan đến thị trường, khung pháp lý phải được rõ ràng, minh bạch và có thể hiệu quả hơn về mặt quản lý nhà nước. Đó là một số thách thức mà Chính phủ Việt Nam cần phải giải quyết để phát triển điện gió.

Nguồn thoibaotaichinhvietnam.vn