Giá điện của Việt Nam sẽ rất rẻ nếu giảm độc quyền

Giá điện của Việt Nam sẽ rất rẻ nếu giảm độc quyền

Solarstore.vn – “Giá điện ở Việt Nam sẽ rất rẻ nếu phát huy song song hai yếu tố: Phát triển năng lượng tái tạo và giảm tập trung thị trường điện. Giá điện Việt Nam đang rất cao bởi sự tập trung thị trường điện rất mạnh” – GS.TS Andreas Polk đến từ Đại học Kinh tế và Luật Berlin cho hay.


Hai quá trình diễn ra song song
Tại hội thảo kinh nghiệm cải cách thị trường điện cạnh tranh ở CHLB Đức và bài học đối với Việt Nam do Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 8.12, GS.TS Andreas Polk cho hay, hai quá trình cần diễn ra song song đó là tự do hóa thị trường năng lượng và chuyển dần sang năng lượng tái tạo.
Theo vị GS này, Việt Nam có nhiều nắng, gió nên việc phát triển năng lượng tái tạo sẽ rất thuận lợi, giúp nguồn điện bền vững, giá thành rẻ đi và góp phần bảo vệ môi trường. Giá điện ở các nước áp dụng song song việc phát triển năng lượng tái tạo và giảm sự tập trung thị trường điện đang càng ngày càng rẻ đi.
“Ở Đức, từ năm 2007 đến nay giá thành điện đã giảm đi rất nhiều. Có thời điểm giá điện bằng 0, tuy nhiên giai đoạn này cũng ngắn và thuộc những trường hợp đặc biệt” – GS.TS Andreas Polk dẫn chứng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo GS.TS Andreas Polk, vào năm 1998, Đức bắt đầu tự do hóa thị trường năng lượng. Lúc đó trên thị trường có 4 công ty hoạt động rất mạnh là E.ON, RWE, Váttenfall, EnBW. 4 công ty lớn này đều là công ty nhà nước và thống lĩnh hầu hết thị trường điện ở Đức.
Chính vì vậy, quá trình tự do hóa được đưa ra với mục đích giảm sự độc quyền của các công ty này và tăng sự cạnh tranh cho thị trường. Khi thị trường cạnh tranh thì người tiêu dùng sẽ có lợi hơn. Điều đó cũng khuyến khích các công ty tăng cường chất lượng sản phẩm của họ và giảm được giá thành.
Tuy nhiên, đối với thị trường điện, khâu vận chuyển điện từ nơi sản xuất đến nơi có người sử dụng cần phải có hệ thống truyền dẫn điện và đó chính là sự độc quyền rõ nhất. Làm thế nào để tự do hóa ở đầu sản xuất và bán lẻ trong khi vẫn độc quyền trong khâu vận chuyển là điều gây tranh cãi khá nhiều. Vai trò và sự can thiệp của Nhà nước rất cần thiết.
Ở Đức đã diễn ra một cuộc tranh cãi rất gay gắt, gồm 2 luồng ý kiến chính.
Ý kiến đầu tiên cho rằng các hệ thống truyền dẫn điện cần được tích hợp vào công ty bán điện, tất cả các khâu đều thuộc về 1 công ty.
“Đó là ý tưởng rất tồi liên quan đến việc cạnh tranh. Bởi vì nếu tích hợp tất cả các mảng như thế thì sẽ tạo ra một thị trường đóng. Các công ty sẽ không mở cửa thị trường cho các đối thủ cạnh tranh” – GS.TS Andreas Polk nhấn mạnh.
Đó là lý do mà các nhà kinh tế học cho rằng cần tách rời khâu vận chuyển điện  khỏi các công ty bán lẻ điện. Bên cạnh đó cũng cần một cơ quan độc lập của Nhà nước để đứng ra điều tiết, quản lý việc cạnh tranh này.
Ý kiến thứ hai chính là việc chuyển sang năng lượng tái tạo. Theo đó, Đức ưu đãi đầu vào năng lượng tái tạo thông qua Luật tái tạo. Giảm nguyên liệu sơ cấp để sản xuất điện, chấm dứt dần điện hạt nhân.
Ở đây có sự tác động của quá trình tự do hóa thị trường năng lượng và 1 bên là “xanh” hóa thị trường năng lượng. Hai quá trình này phải diễn ra song song và không tách rời nhau.
“Cần phải đưa cạnh tranh vào sản xuất, mua bán và bán lẻ điện. Ưu đãi đầu tư vào xây dựng công suất mạng lưới, năng lượng tái tạo”, GS.TS Andreas Polk cho hay.
GS.TS Andreas Polk nói thêm, thị trường bán buôn điện song song cùng với thị trường bán lẻ. Điều đó sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh của thị trường. Khi đã bắt đầu tự do hóa thị trường thì phải tính đến đầy đủ các khía cạnh như thế.
Tác động của tự do hóa thị trường
Theo GS.TS Andreas Polk , việc tự do hóa thị trường có những tác động nhất định. Trong việc sản xuất điện, tự do hóa sẽ giúp gia nhập thị trường và tăng thị phần của các đối thủ cạnh tranh mới và làm giảm thị trường tập trung. Tổng thị phần của 4 công ty lớn của Đức khi tự do hóa thị phần đã giảm xuống mất 2/3.
Bên cạnh đó, liên kết khu vực ngày càng được củng cố, ví dụ như việc mở cửa của thị trường (Áo) đã củng cố thêm các ảnh hưởng này. Ở khâu phân phối điện, việc tự do hóa thị trường cũng có những tác động rất lớn trong việc thay đổi cơ cấu mạng lưới.
TS Michael Krakowwski – Cố vấn trưởng Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/tăng trưởng xanh GIZ cho hay, giá điện được điều chỉnh theo nhu cầu và biến động của thị trường nên giá điện mà người tiêu dùng trả phụ thuộc vào chính hành vi của người tiêu dùng. Người tiêu dùng có quyền lựa chọn và thay đổi nhà cung cấp điện của mình sao cho hài lòng nhất.
Vị TS này cũng nói thêm, ở khía cạnh quốc tế, thị trường đang có xu hướng phát triển theo quy mô quốc gia, lớn nhất là quy mô khu vực; không tính thuế và phụ phí, giá bán điện cho các hộ gia đình và khách hàng công nghiệp ở Đức nằm trên mức trung bình.
Theo đó, vai trò của năng lượng tái tạo sẽ ngày càng tăng và hỗ trợ cho các cơ cấu sản xuất phi tập trung. Sự độc lập của các cơ quan hành chính quốc gia cũng sẽ được nâng cao. Giữa các cơ quan quản lý cạnh tranh thị trường điện sẽ độc lập với nhau trong việc ra quyết định, hạn chế lạm quyền, có trọng tâm rõ ràng trong quyết định được đưa ra.
Nguồn: 24h