Điện năng lượng mặt trời lên tàu, ra đảo

Solarstore.vn – Mặc dù chưa có điện lưới nhưng mùa xuân năm nay, đảo Hòn Dấu (phường Vạn Hương, Đồ Sơn) được thắp sáng bằng điện mặt trời. Bên cạnh đó, công nghệ điện mặt trời còn đem ánh sáng, nguồn năng lượng “lên” các tàu đánh bắt hải sản xa bờ, cung cấp điện năng cho hoạt động khai thác hải sản và sinh hoạt trên tàu…


Điện thắp sáng đảo xa
Từ giữa năm 2014, quận Đồ Sơn xây dựng dự án ứng dụng công nghệ điện mặt trời vào chiếu sáng tại đảo Hòn Dấu.
Với sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hải Phòng – đơn vị chuyển giao công nghệ – ngoài một hệ giàn pin năng lượng mặt trời tập trung, dự án đã xây dựng các trụ đèn LED trên con đường chính dẫn vào đảo, khuôn viên đền thờ Nam Hải Đại Vương và các đường dẫn vào Đền.
Hệ thống này phục vụ cả trong Đền: bóng đèn thờ, đèn chiếu sáng, quạt, radio, tivi…
Hệ thống sử dụng công nghệ điện năng lượng mặt trời cục bộ (Madicub), tạo ra một mạng điện độc lập với mạng lưới điện quốc gia. Các trang thiết bị được thiết kế, lựa chọn chịu được điều kiện khắc nghiệt ở đảo (về độ mặn, độ ẩm, gió bão…).
Đến nay, hệ thống điện mặt trời đã chạy tốt, sẵn sàng phục vụ cho mùa lễ hội trên đảo sắp tới, đảm bảo chiếu sáng liên tục ngay cả khi thời tiết xấu kéo dài.
Ông Lưu Đình Tiến, Chủ tịch UBND phường Vạn Hương vui mừng nói: “Trước đây, các hoạt động trên đảo phải dùng nhờ điện của Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải hoặc dùng máy phát điện, ắc quy. Khi đó, điện sử dụng rất hạn chế, chỉ khoảng 2, 3 tiếng buổi tối. Vào mùa lễ hội, địa phương rất vất vả khi phải vận chuyển các thiết bị phục vụ chiếu sáng ra đảo.
Nay có điện mặt trời, không những công tác chuẩn bị lễ hội của chúng tôi được nhẹ nhàng hơn nhiều mà còn đảm bảo điều kiện sinh hoạt của cán bộ và người dân trên đảo.
Hơn thế, hệ thống điện này giúp tiết kiệm năng lượng, không gây tiếng ồn, không xả khói độc, giúp bảo vệ môi trường trong lành của đảo.
Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với Hòn Dấu – di tích lịch sử, danh thắng cấp quốc gia”.
dien_mat_troi_ra_dao1
 
Cán bộ và nhân dân địa phương vui mừng khi Hòn Dấu có điện mặt trời.
Điện mặt trời theo tàu vươn khơi
Hải Phòng hiện có hàng nghìn tàu thuyền đánh bắt xa bờ, tập trung ở các vùng: Thuỷ Nguyên, Cát Hải, Đồ Sơn, Tràng Cát… Các tầu thuyền đánh bắt hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn điện từ máy phát diesel trên tàu.
Ngoài chuyện chi phí tốn kém, nguồn điện máy phát còn hạn chế việc áp dụng các công nghệ tiên tiến hỗ trợ nâng cao sản lượng đánh bắt và không đảm bảo thông tin liên tục 24/24h, đe dọa an toàn đi biển.
Cuộc sống đi biển dài ngày càng đòi hỏi một hệ thống điện hiệu quả trên tàu thuyền phục vụ tác nghiệp và sinh hoạt.
Điện mặt trời là nguồn năng lượng vô tận tại chỗ, giải pháp duy nhất hữu hiệu vượt qua các trở ngại này.
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hải Phòng xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ mạng điện mặt trời cục bộ trên nhiều tàu thuyền đánh bắt hải sản xa bờ.
Trong đó, 24 tàu thuyền có công suất từ 63CV trở lên được thiết lập mỗi chiếc một mạng điện độc lập với nguồn năng lượng tại chỗ từ những tấm pin mặt trời (hoặc từ máy phát khi công suất dư thừa, từ điện lưới khi tàu thuyền neo đậu tại cảng).Nguồn điện này đáp ứng tốt cho mọi ngư cụ đánh bắt hải sản và các công cụ tác nghiệp khác như: máy tầm ngư, bộ đàm, ánh sáng, đèn tín hiệu…
Đặc điểm của tàu thuyền đánh bắt xa bờ là di chuyển rộng trên các vùng biển Bắc – Trung – Nam nên tận dụng năng lượng mặt trời nạp cho thiết bị rất hiệu quả.
Theo tính toán, với công nghệ này, 1.000 tầu thuyền đánh bắt xa bờ sẽ tiết kiệm được trên 42 triệu lít dầu, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trên 136.000 tấn CO2.
Bên cạnh đó, giải pháp này đảm bảo an toàn đi biển, chấm dứt những rủi ro nghề biển không đáng có do thiếu điện trên tàu thuyền đánh bắt xa bờ.
Với những ưu thế vượt trội, điện mặt trời đang được ứng dụng ngày càng nhiều trong sản xuất và đời sống ở Hải Phòng.
Đặc biệt là sau khi Thành ủy, HĐND thành phố khóa XIV có Nghị quyết về phát triển KHCN nêu rõ: Hải Phòng cần “Nghiên cứu sử dụng trong sản xuất, kinh doanh và đời sống các nguồn năng lượng tự nhiên như năng lượng mặt trời, sức gió, sóng biển…”.
Theo anh Nguyễn Văn Cảnh, Phó trưởng phòng Công nghệ Tự động hóa, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hải Phòng, hiện nay công nghệ Madicub là giải pháp tốt cung cấp điện cho những nơi chưa có điện lưới quốc gia, nhất là vùng sâu, vùng xa, thuyền đánh bắt hải sản, thuyền du lịch… Madicub ứng dụng rất hiệu quả tại Trường Sa, Phú Quốc, Côn Đảo…

Đăng Hùng – Hân Minh- Báo CAND