Điện mặt trời giúp các hộ nuôi tôm tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm
Điện mặt trời không chỉ giúp các hộ nuôi tôm tiết kiệm tiền điện, tăng lợi nhuận sản xuất mà còn có vai trò quan trọng cho sự phát triển bền vững.
Giảm chi phí điện, tăng lợi nhuận cho người nuôi tôm
Với các hộ nuôi tôm, chi phí điện chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng chi phí sản xuất. Theo số liệu nghiên cứu của ICAFIS (Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững) và Oxfam, tiền điện chiếm khoảng 7-10% tổng chi phí sản xuất. Để sản xuất được 1 tấn tôm thành phẩm, cần phải tiêu hao từ 2,62-8,540kWh điện, tương đương chi phí điện sản xuất mỗi kg tôm là 955-8.000 đồng. Nuôi tôm cần điện để bơm nước, cung cấp oxy, loại bỏ cặn, hệ thống lưu trữ đóng băng, chế biến và các hoạt động khác. Trong đó, nặng điện nhất là dùng để chạy hệ thống sục khí, cung cấp oxy cho ao nuôi, chiếm tới khoảng 80% tổng năng lượng sử dụng.
Nuôi tôm cần sử dụng lượng điện lớn để sục oxy, chạy máy quạt nước về mặt, loại bỏ cặn… (Ảnh minh họa internet)
Để giảm bớt chi phí điện, nhiều hộ nuôi tôm đã lắp đặt điện mặt trời và thực tế đạt hiệu quả kinh tế rất cao. Các vùng nuôi tôm quy mô lớn như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, Kiên Giang… đều thuộc khu vực phía Nam có điều kiện tự nhiên cực kỳ thuận lợi cho điện năng lượng mặt trời (số giờ nắng trong năm lớn, cường độ bức xạ mặt trời cao). Hệ thống điện mặt trời sẽ tạo ra điện năng để các hộ nuôi tôm tiêu thụ tại chỗ, hạn chế lấy điện từ lưới điện quốc gia, nhờ đó giảm chi phí điện sản xuất. Lượng điện dư thừa sẽ được truyền lên lưới điện và bán lại cho ngành điện. Nhờ đó, người nuôi tôm sẽ giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Khi chi phí sản xuất giảm, người nuôi tôm có thể giảm giá thành phẩm. Theo các chuyên gia ngành thủy sản, sử dụng điện mặt trời nói riêng, năng lượng tái tạo nói chung là một giải pháp tối ưu giúp giảm giá thành con tôm, làm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Giải bài toán về nguy cơ thiếu điện
Do các hộ nuôi tôm thường tập trung ở từng khu vực, đặc thù nuôi tôm lại theo thời vụ nên mỗi vụ thả tôm, phụ tải điện tăng đột biến dễ gây quá tải cục bộ. Nhiều vùng trọng điểm nuôi tôm xảy ra tình trạng thiếu điện, các hộ dân phải túc trực để chạy máy phát điện kịp thời sao cho máy sục oxy chạy liên tục. Với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, mật độ thả tôm dày, chỉ trong 1 giờ cúp điện mà không chạy máy sục oxy thì tôm sẽ chết, thiệt hại về kinh tế rất lớn. Trong khi đó, chạy máy phát cũng làm phát sinh chi phí nhiên liệu. Do đó, việc các hộ nuôi tôm sử dụng điện mặt trời có ý nghĩa rất lớn giúp giải bài toán về nguy cơ thiếu điện, nhất là khi tôm đã trở thành một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực, số hộ nuôi tôm và quy mô các ao nuôi ngày càng tăng, cả mô hình thâm canh, siêu thâm canh và bán thâm canh.
Ngoài ra, nếu lắp đặt hệ thống điện mặt trời có dự trữ, điện năng tạo ra sẽ chuyển đến hệ thống bình ắc-quy, cung cấp cho các thiết bị sục khí oxy. Như vậy, người nuôi tôm có thể chủ động nguồn điện, không phải túc trực máy phát điện khi mất điện lưới.
Và những lợi ích thiết thực khác
Hệ thống điện mặt trời lắp trên các phao nổi ở bề mặt ao nuôi (để chạy máy quạt nước bề mặt) còn giúp giảm nhiệt độ cho ao nuôi tôm, thuận lợi cho các vi sinh vật phát triển, tạo nguồn thức ăn cho tôm. Kinh nghiệm thực tế từ nhiều hộ nuôi tôm cho thấy, khi áp dụng mô hình điện mặt trời và sử dụng vi sinh vật định kỳ, chi phí thức ăn nuôi tôm giảm rõ rệt trong khi tôm phát triển nhanh và đều. Ngoài ra, tôm nuôi tại các ao sử dụng năng lượng mặt trời cũng sinh trưởng tốt hơn và không bị bệnh đốm trắng như ở những ao thông thường.
Có thể nói, điện mặt trời là giải pháp giúp các hộ nuôi tôm tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm. Việc sử dụng điện mặt trời trong nuôi tôm còn có ý nghĩa lớn đối với môi trường, góp phần làm giảm phát thải nhà kính. Sử dụng công nghệ cao, phát triển ngành nuôi tôm theo hướng tăng trưởng xanh bền vững, thân thiện với môi trường cũng giúp nâng cao giá trị thương hiệu của ngành tôm Việt Nam trên thị trường thế giới.
Tổng kho SolarStore