Cách mạng nào cho nơi có không khí bẩn nhất Trung Quốc?

Cách mạng nào cho nơi có không khí bẩn nhất Trung Quốc?

Solarstore.vn – Ở Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, thành phố ô nhiễm nhất Trung Quốc, lớp khói bụi có thể nhìn thấy rõ ràng bằng mắt, thậm chí khiến mắt bỏng rát và để lại mùi vị của a-xít trong miệng của những người đi lại trên đường.


Đó là thực tế cuộc sống hàng ngày dưới lớp khói bụi dày đặc ở Bảo Định. Đó là bầu không khí mà Zhao Shuang cùng gia đình của mình phải hít thở hàng ngày. Anh lớn lên ở Bảo Định và vẫn có một tuổi thơ được vui đùa dưới bầu trời đầy nắng, cao xanh, trong vắt.
Nhưng cho đến bây giờ, điều đó đã trở thành ký ức. Con trai út của anh mới một tuổi nhưng sinh ra đã phải nhìn thấy một bầu trời xám xịt. “Khi tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng, chúng tôi thậm chí còn không thể nhìn thấy tòa nhà bên cạnh”, Zhao nói. Anh sống trong một căn hộ nhỏ cùng con trai, vợ và mẹ đẻ.

Thành phố Bảo Định luôn chìm trong khói bụi. Nguồn: CNN

Thành phố Bảo Định luôn chìm trong khói bụi. Nguồn: CNN


Hôm 30/11, Cơ quan đánh giá chất lượng không khí (AQI) đo được tại một trạm kiểm soát ở thành phố là 1.000 đơn vị, mức tồi tệ nhất trên toàn Trung Quốc. Theo hướng dẫn của Liên Hiệp Quốc, chỉ số ô nhiễm cao  trên 100 đơn vị là ở mức gây hại cho sức khỏe và liệt vào nhóm nguy cơ cao.
Nhưng theo Zhao, chất lượng không khí cũng không đến nỗi tệ như cảnh báo, chỉ cao hơn mức cho phép của UN bốn lần. Nhưng đối với một nơi như Bảo Định, thì những ngày như vậy đã được xem là đẹp trời.

 Thành phố của sự đối lập

Anh Zhao đi làm vào buổi sáng giống như hàng nghìn người khác, với khẩu trang che kín miệng bởi xung quanh là khói bụi từ nhà máy năng lượng than tỏa ra khắp bầu trời, hòa quyện với tuyết rơi đầu mùa. Thế nhưng nhà máy là thủ phạm chính gây ra tình trạng ô nhiễm cho Bảo Định lại là nhà cung cấp năng lượng hàng đầu của Trung Quốc.
Thành phố một triệu dân này được công bố là thành phố “nhiễm carbon” đầu tiên trên thế giới, là nơi có hơn 200 nhà sản xuất năng lượng thay thế và công nghệ năng lượng hiệu quả.
Zhao làm việc tại khâu sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời ở công ty Yingli Solar, một trong những nhà sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất Trung Quốc. Trụ sở của công ty ở ngay trung tâm của Bảo Định và công việc kinh doanh đang thời kỳ nở rộ. Yingli đã mở rộng đầu ra nhanh chóng trong hai thập kỷ qua và hy vọng sẽ gấp đôi số đó đến trước năm 2020.
Allen Geng, Giám đốc bán hàng quốc tế của Yingli, cho biết: “Tôi tin rằng sẽ có sự gia tăng lớn trong ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, cho dù đó là năng lượng mặt trời, năng lượng gió hay các nguồn năng lượng khác”.
Sự ô nhiễm nặng trên khắp Trung Quốc buộc nước này phải tăng cường nhu cầu sử dụng năng lượng sạch. Năm 2014, các công ty đại lục đã đầu tư hơn 80 tỷ USD điện hydro cho đến các dự án năng lượng gió và mặt trời. Chưa có một quốc gia nào trên thế giới “chịu chơi” đến vậy.
Than đá hay năng lượng tái tạo?
Mặc dù vậy, các nguồn năng lượng tái tạo chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng nguồn cung năng lượng cho Trung Quốc. Đây là nơi mà than đá vẫn được coi là “vua” bởi tính hiệu quả và giá thành rẻ, vì vậy nó chiếm tới 60-70% tổng năng lượng của Trung Quốc.
Xie Zhenhua, đại diện Trung Quốc tại hội nghị biến đổi khí hậu COP21 ở Paris, cho CNN biết rằng nước này đã đóng cửa các nhà máy vận hành bằng than đá tương đương với tổng năng lượng sản sinh ở Vương quốc Anh và vẫn tiếp tục kế hoạch thay thế nhiều trạm phát điện chạy bằng than khác.
Theo tổ chức Greenpeace, giữa tháng 1 và tháng 9/2015, Trung Quốc đã cho phép ít nhất 155 nhà máy điện sử dụng than đá hoạt động, tương đương với 4 nhà máy một tuần. Nhưng ông Xie cam kết, Trung Quốc, nước phát thải nhà kính lớn nhất thế giới, vẫn sẽ đạt được mục tiêu tham vọng là giảm mức phát thải xuống đỉnh điểm đến năm 2030.
Đây là một mục tiêu cần nhiều nỗ lực. Theo đánh giá mới nhất của Trung Quốc về biến đổi khí hậu được đưa ra trong tháng 11, nhiệt độ nước này có thể tăng đến 5 độ C đến cuối thế kỷ 21. Trung Quốc cũng phải đối mặt với tình trạng mực nước biển dâng hơn 6 cm và băng tan 10%.
Để đạt được mục tiêu khí hậu này, Trung Quốc sẽ cần sự giúp đỡ của các công ty như Yingli và những công nhân như anh Zhao. Đối với anh, ô nhiễm không chỉ là chuyện của quốc gia mà còn là vấn đề của cá nhân anh. Anh làm việc 60 tiếng một tuần và đi bộ về nhà hàng ngày cùng con trai mình. Zhao hy vọng công việc của mình sẽ giúp mọi việc biến chuyển theo chiều hướng tốt hơn, để con trai anh không phải sợ mỗi khi muốn hít thở sâu như mình.
“Tôi rất lo ngại về sức khỏe của con trai mình. Nếu không khí vẫn tiếp tục ô nhiễm như vậy thì thằng bé sẽ không thể nào ra khỏi nhà”, anh Zhao nói.
Bài viết được tham khảo nguồn tin CNN, một kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ, thuộc sở hữu tập đoàn Time Warner. CNN là một trong những kênh thông tin uy tín nhất thế giới.

Nguồn: Infonet