Tại sao phải xây dựng xanh?

Tại sao phải xây dựng xanh?

Xây dựng Xanh để có lợi ích lâu dài
Trên phạm vi toàn cầu, các tòa nhà cao tầng cũng chiếm 1/3 lượng tiêu thụ năng lượng và khoảng 1/5 lượng khí thải ra ngoài môi trường. Theo các chuyên gia, việc phát triển các Công trình Xanh sẽ đem về lợi ích lâu dài.
Cụ thể, một tòa nhà xanh không chỉ có nhiều cây xanh mà còn sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường tiết kiệm năng lượng sẽ đem lại cho cư dân những giá trị về cuộc sống tốt khi với nhiều tiện nghi vượt trội và cải thiện sức khỏe.
Hiện nay, đã có nhiều bằng chứng cho thấy cách xây dựng một tòa nhà có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự an toàn của cư dân. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các bệnh về phổi và hô hấp có liên quan đến chất lượng môi trường trong nhà kém và cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
tai-sao-phai-xay-dung-xanh

Không gian xanh trong khu vực đô thị có thể giúp phục hồi sức khoẻ tinh thần.

Tuy nhiên, các tính năng xây dựng xanh như ánh sáng được cải thiện, chất lượng không khí tốt hơn và nhiều cây xanh đã được chứng minh là có tác động tích cực đến sức khoẻ. Đặc biệt, việc giảm phát thải từ các tòa nhà – đặc biệt là ở các thành phố – có thể làm giảm ô nhiễm và nâng cao chất lượng không khí, đem lại lợi ích cho sức khoẻ của người dân thành phố.
Công trình Xanh đem lại lợi ích lâu dài khi chi phí hóa đơn tiền điện, tiền nước hàng tháng sẽ được giảm đáng kể. Bởi các thiết bị điện nước đều được thiết kế để tiết kiệm năng lượng và tận dụng năng lượng mặt trời hoặc năng lượng tái tạo.
Các tòa nhà xanh sử dụng năng lượng tái tạo có sẽ rẻ hơn khi sử dụng các nhiên liệu hóa thạch khác. Cụ thể là Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế (IRENA) cho biết, các hệ thống năng lượng mặt trời ở châu Phi có thể cung cấp điện cho các hộ gia đình với mức giá thấp nhất là 56 USD/năm, rẻ hơn nhiều so với năng lượng từ dầu diesel hoặc dầu hỏa. Hiệu suất năng lượng kết hợp với các nguồn tái tạo tại địa phương cũng giúp cải thiện an ninh năng lượng. Những điều này có ý nghĩa góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong tương lai.
Bên cạnh đó, từ các khảo sát tại thị trường bất động sản Mỹ và Singapore cho thấy các Công trình Xanh đều có mức độ tiêu thụ và thu hồi vốn nhanh hơn khiến khách hàng hài lòng và nâng cao giá trị thương hiệu của chủ đầu tư.
Xây dựng Xanh để phát triển đô thị bền vững
Theo TS. KTS Trần Minh Tùng, Giảng viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội là người quan tâm và nghiên cứu về đô thị sinh thái cho biết: “Hiện nay Việt Nam đang làm Công trình Xanh là chủ yếu. Chúng ta trước nay thường hiểu là bạn xanh, tôi xanh chúng ta cùng xanh tức là xanh dựa theo những công trình.
Tuy nhiên nếu hiểu rộng ra thì cộng đồng xanh tức là khu đô thị xanh, là tổng thể xanh nên cấp độ xanh sẽ cao hơn. Đô thị xanh là công trình có không gian xanh, là sự quan hệ giữa các công trình dựa trên mối quan hệ xanh. Công trình này sẽ làm không làm hại đến công trình bên cạnh.”

Theo lý giải của TS. KTS Trần Minh Tùng thì trong bối cảnh khủng hoảng vừa thừa vừa thiếu các đô thị bởi sự đầu tư tràn lan không dựa trên nhu cầu thực tế của xã hội, cộng thêm việc Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp từ quá trình biến đổi khí hậu cũng như ô nhiễm môi trường, lãng phí nguồn nhân lực và tài nguyên thiên nhiên (gây ra bởi sự phát triển không kiểm soát của các đô thị) thì khái niệm “đô thị bền vững” trở thành cứu cánh cho các giải pháp không gian đô thị.
Các từ “xanh”, “sinh thái”, “thân thiện môi trường” được sử dụng nhiều hơn trong các hội thảo khoa học, bắt đầu len vào các mặt của đời sống đô thị và đôi lúc lại được “thần thánh hoá” như những “phát minh mới” hay những “biện pháp tối cao” có thể chữa lành các “căn bệnh” môi trường đô thị Việt Nam. Trong khi đó, nếu xét riêng trong lĩnh vực tổ chức kiến trúc và không gian cư trú truyền thống của Việt Nam, các khái niệm này đã từng được cha ông sử dụng một cách quen thuộc trong chính cuộc sống đời thường dân dã của mình.
Theo xu hướng này, các dự án khu dân cư sinh thái xuất hiện ngày một nhiều và được phổ biến hơn dưới cái tên “khu đô thị (mới) sinh thái”. Hình ảnh thông thường dễ nhận thấy của những dự án này là phối cảnh công trình được bao quanh bởi không gian mướt cây xanh, bát ngát mặt nước, thư thái nhẹ nhàng… Tất cả những tiêu chí trên nhằm xây dựng một khu dân cư sinh thái được thể hiện rõ ràng nhất ở những yếu tố “4 giảm 1 tăng” như sau:
Giảm thiểu tiêu thụ năng lượng: Các công trình được thiết kế để đảm bảo nghiêm ngặt việc tiêu thụ năng lượng trung bình theo diện tích công trình là thấp nhất có thể. Thông thường các khu dân cư sinh thái tận dụng tối đa các nguồn năng lượng có thể tái tạo (mặt trời, sức gió…) và được chuyển hoá, cung cấp ngay tại chỗ.
Giảm thiểu ô tô: Thông qua các phương thức quản lý hiệu quả hơn việc di chuyển đi lại và khuyến khích sử dụng giao thông nhẹ (giao thông công cộng, xe đạp, đi bộ). Việc giảm thiểu ô tô có thể đẩy lên mức cao nhất là cấm hoàn toàn sự có mặt của ô tô trong khu.
Giảm thiểu tiêu thụ nước: Nước mưa được thu hồi và sử dụng tưới các không gian xanh, làm sạch đường phố và cung cấp cho các nhà vệ sinh công cộng.
Giảm thiểu tạo ra rác thải: Việc phân loại rác thải tại các không gian, công trình là bắt buộc, những rác thải hữu cơ được bón ủ thông qua những khu vực đã được định trước trong dự án để sử dụng bón cho các vườn cây và không gian xanh.
Tăng cường tính đa dạng sinh học: Các biện pháp thực hiện đều hướng đến việc khuyến khích sự phát triển của các thảm thực vật và hệ động vật địa phương.
TS Trần Minh Tùng cho rằng, sinh thái đô thị không chỉ là mục tiêu lớn không chỉ Hà Nội mà cả các thành phố lớn khác của Việt Nam đều phải hướng đến cho một tương lai phát triển bền vững.

Theo reatimes.vn