Sẵn sàng cho điện hạt nhân

Sẵn sàng cho điện hạt nhân

Solarstore.vn – Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến 2030 (Quy hoạch điện VII), đến năm 2030, sản lượng điện hạt nhân sẽ chiếm khoảng 7% sản lượng điện tiêu thụ – một tỷ lệ rất khiêm tốn.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, trong tương lai, điện hạt nhân sẽ chiếm vị trí quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu năng lượng và an ninh năng lượng, phục vụ sự phát triển bền vững của kinh tế đất nước. Và để hướng tới mục tiêu này, Việt Nam đang có những bước chuẩn bị tốt nhất cho việc phát triển điện hạt nhân vào năm 2020.
Mục tiêu lớn
Năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng luôn là vấn đề cấp bách, ưu tiên hàng đầu của mọi quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của kinh tế – xã hội quốc gia, vùng lãnh thổ đó. Ở Việt Nam cũng vậy, suốt những năm qua, nhằm xây dựng nền tảng cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, trong từng giai đoạn, từng thời kỳ, Đảng, Chính phủ luôn xây dựng và triển khai các quy hoạch điện.
Và thực tế những năm qua, việc đảm bảo tiến độ triển khai các nội dung trong Quy hoạch điện đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Điện thực sự đã trở thành động lực, là nền tảng cơ sở thúc đẩy sự phát triển tại nhiều địa phương.
san-sang-cho-dien-hat-nhan
Tuy nhiên, theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trước nhu cầu gia tăng sản lượng điện tiêu thụ hằng năm của nền kinh tế lên tới 10-12%, áp lực đặt lên các quy hoạch điện là vô cùng lớn. Ngoài vấn đề về vốn thì việc tìm kiếm, phát triển các nguồn điện đang trở thành bài toán đầy nan giải đối với ngành điện.
Ông Phan Minh Tuấn – Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận trong một cuộc trong đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới đã khẳng định: Trong chính sách phát triển năng lượng của mỗi quốc gia, bên cạnh điện hạt nhân luôn có các nguồn năng lượng khác như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học… Tuy nhiên, phải thấy rằng, những nguồn năng lượng này là rất hạn chế và không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Trong khi đó, theo dự báo, tương lai không xa, những nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch như dầu, khí, than đá… sẽ dần cạn kiệt. Vì vậy, điện hạt nhân sẽ là nguồn năng lượng chủ yếu.
Cùng chia sẻ câu chuyện này, PGS.TS Nguyễn Nhị Điền – Phó viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) đưa quan điểm: Điện hạt nhân là nguồn năng lượng ổn định, lâu dài, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng về năng lượng, nhưng đồng thời cũng góp phần giảm thiểu hiệu ứng nhà kính. Và với riêng Việt Nam, nếu được đưa vào khai thác và sử dụng, điện hạt nhân còn đảm bảo cung cấp nguồn điện kinh tế, ổn định, thúc đẩy các ngành công nghiệp liên quan, tạo tiền đề cho ngành khoa học công nghệ phát triển.
TS Lê Văn Hồng – nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam khi trao đổi với phóng viên Năng lượng Mới về vấn đề phát triển điện hạt nhân cũng khẳng định: Ðiện hạt nhân không chỉ giải quyết được nhu cầu tiêu thụ năng lượng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia ổn định, lâu dài, mà còn đáp ứng được các mục tiêu về môi trường, hạn chế khí thải nhà kính, giải quyết bài toán giá thành và an ninh năng lượng. Vì vậy, điện hạt nhân đã được quan tâm phát triển và trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của ngành công nghiệp điện lực ở nhiều quốc gia.
Nói như vậy để thấy rằng, điện hạt nhân sẽ là xu thế phát triển tất yếu của ngành năng lượng trong việc thực hiện mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Và thực tế, chủ trương phát triển điện hạt nhân đã được Đảng, Chính phủ đề cập trong nhiều văn bản pháp lý quan trong như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (năm 1996) xác định chuẩn bị tiền đề khoa học cho việc sử dụng năng lượng nguyên tử sau năm 2000; Kết luận 55-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 27-9-2009 về định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân giai đoạn đến năm 2030 và đầu tư Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận; Nghị quyết 41/2009/QH12 về chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội thông qua…
Giải bài toán nhân lực
Như đã đề cập ở trên, phát triển điện hạt nhân là định hướng, là chủ trương có tính chiến lược của Đảng, Chính phủ đối với ngành điện nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, điện hạt nhân có tính đặc thù riêng và có rủi ro rất cao, nếu để xảy ra một sự cố nhỏ thì cái giá phải trả sẽ vô cùng đắt. Chính vì vậy, việc phát triển điện hạt nhân vì thế đặt ra rất nhiều thách thức với không chỉ ngành điện mà với tất cả các ngành, các lĩnh vực khác của đất nước, trong đó vấn đề nhân lực là yếu tố quyết định sự thành bại của một dự án điện hạt nhân.
Chính vì tầm quan trọng như vậy, EVN đã cử cán bộ đi các nước như Mỹ, Nhật Bản, Nga để đào tạo. Ngoài ra, theo kế hoạch dự án đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Chính phủ Liên bang Nga tìm kiếm và lựa chọn những học sinh xuất sắc đáp ứng các tiêu chuẩn để đi học chuyên ngành điện hạt nhân tại Nga trong vòng 6-7 năm. Còn tại Nhật Bản, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Chính phủ Nhật Bản tìm kiếm và lựa chọn những học sinh xuất sắc học tập về ngành điện hạt nhân tại Nhật Bản, dự kiến mỗi năm khoảng 20 người.
Cùng với đó, các trường trong nước như Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Đà Lạt, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng cũng có chương trình đào tạo chuyên ngành điện hạt nhân. Với trình độ cao đẳng, dự kiến số lượng là 922 người, đào tạo tại các trường Cao đẳng Điện lực Miền Trung và Cao đẳng Điện lực Miền Nam thuộc EVN. Dự án cũng dành ưu tiên đặc biệt với những kỹ sư có kinh nghiệm tại các ban quản lý dự án, công ty nhiệt điện và thủy điện thuộc EVN.
Các chương trình đào tạo, ngoài kiến thức cơ bản về điện hạt nhân, kỹ năng mềm; văn hóa an toàn, công nghệ và an toàn nhà máy điện hạt nhân, sẽ tập trung các kiến thức liên quan đến quản lý dự án điện hạt nhân tại nước ngoài (2 tuần/khóa), đào tạo kèm cặp 3-6 tháng tại công trường nhiệt điện trong nước hoặc điện hạt nhân ở nước ngoài. Riêng khối vận hành bảo dưỡng, các chương trình cũng tập trung hơn cho việc đào tạo cán bộ nòng cốt. Sinh viên sẽ được học tiếng Nga và Nhật Bản 1 năm trước khi đào tạo dài hạn tại hai quốc gia này.
Được biết, bên cạnh việc chuẩn bị nhân lực cho các nhà máy điện hạt nhân, việc đàm phán về tài chính cho các nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 đang diễn ra rất thuận lợi. Hiệp hội Cơ quan nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng rất ủng hộ việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam…

Theo Ban Quản lý Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận (EVNNPB), đến năm 2022, số lượng nhân sự cần thiết cho hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 là 2.400 người (mỗi nhà máy là 1.100 người). Trong đó, yêu cầu về trình độ đại học là 884 người, cao đẳng nghề là 922 người, lao động phổ thông là 394 người. Số nhân lực trên được phân theo các ngành: Điện hạt nhân là 420 người, an toàn hạt nhân và kỹ thuật hóa là 140 người, còn lại 320 người cho các ngành nghề khác.

Thanh Ngọc

Nguồn:

Năng lượng Mới 470