Cú hích cho năng lượng sạch

Cú hích cho năng lượng sạch

Với khí hậu đặc trưng ít mưa nhiều nắng, diện tích đất hoang hóa nhiều, tỉnh Bình Thuận được đánh giá là địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn năng lượng mặt trời

Theo đánh giá của Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 2, tiềm năng năng lượng mặt trời trên địa bàn Bình Thuận là rất lớn, có thể đạt tổng công suất thiết kế lên đến 4.754,5MW. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nguồn năng lượng này chưa được khai thác hiệu quả do gặp nhiều vướng mắc, trong đó chủ yếu là do thiếu vốn, thiếu công nghệ và giá thành đầu tư tương đối cao, việc thu hồi vốn gặp khó.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Theo đó, từ ngày 1-6, bên mua điện (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh. Ngoài ra, các dự án điện mặt trời khi đầu tư còn được ưu đãi về vốn vay, thuế, đất đai…
Quyết định này của Thủ tướng là “cú hích” cho các nhà đầu tư đầu tư vào điện mặt trời, nhất là tại một số địa phương có số ngày nắng trong năm cao, diện tích đất hoang hóa nhiều như ở tỉnh Bình Thuận. Đồng thời, đây còn được xem là bước ngoặt để tạo ra hướng phát triển mới, bền vững hơn cho ngành năng lượng của Việt Nam và đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước .
Ngay sau khi chính sách hỗ trợ của Chính phủ để phát triển điện mặt trời, Bình Thuận nhanh chóng có 3 dự án điện mặt trời được cấp quyết định chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 3.816 tỷ đồng
Bên cạnh đó, đến nay UBND tỉnh Bình Thuận cũng có văn bản chấp thuận chủ trương khảo sát, nghiên cứu đầu tư cho gần 30 dự án điện mặt trời xin đăng ký triển khai trên địa bàn. Bình Thuận cũng là địa phương đầu tiên của cả nước đang xây dựng đề án Quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Bình Thuận giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để trình Bộ Công thương phê duyệt. Theo đó, đến năm 2025, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên địa bàn được quy hoạch đạt 2.327MW (tương ứng 3.586 triệu kWh) và tiếp tục nâng lên 3.819,5MW (tương ứng 5.886 triệu kWh) vào năm 2030.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư điện mặt trời ở tỉnh Bình Thuận cho rằng, mặc dù hiện nay giá thu mua điện mặt trời đã được điều chỉnh, nhưng lãi suất vay của các khoản tín dụng phục vụ cho đầu tư còn quá cao, gây khó khăn cho các nhà đầu tư.
Trong khi đó, nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, hệ thống truyền tải điện… hiện còn thiếu và yếu. Với những tồn tại nêu trên, các nhà đầu tư mong muốn trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ chủ động để cùng với các bộ ngành nghiên cứu để báo cáo với Thủ tướng có những giải pháp, thông qua các cơ chế về lãi suất cho các khoản vay khi đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo để thúc đẩy sự đầu tư của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần phải hoàn chỉnh đánh giá lại các quy hoạch năng lượng tái tạo trên địa bàn cả nước, đặc biệt là ở những vùng trung tâm trọng điểm như là tỉnh Bình Thuận và những vùng có tiềm năng khác.
Bộ Công thương cần định hướng, chủ động để xây dựng hệ thống truyền tải điện, để đảm bảo cho việc kết nối và lên lưới điện của toàn bộ các nhà máy điện tái tạo mà Bình Thuận đang có, cũng như các dự án tiềm năng trong tương lai của cả nước.
Các chuyên gia nhận định, các nhà máy điện mặt trời thường được đầu tư ở những khu vực đất hoang hóa, đồi cát hoặc đất ít có khả năng sản xuất nông nghiệp nên hầu như không gây ảnh hưởng bất lợi đối với môi trường. Nhờ đó, góp phần phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, tăng thêm nguồn điện đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như phục vụ mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương.
Cùng với trung tâm năng lượng “sạch” lớn như của tỉnh Bình Thuận đã được quy hoạch, trong tương lai, chúng ta có điều kiện thay thế những nguồn năng lượng như điện hạt nhân, điện than… vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây ô nhiễm môi trường.