Bài học kinh nghiệm từ tăng trưởng xanh của một số doanh nghiệp

Bài học kinh nghiệm từ tăng trưởng xanh của một số doanh nghiệp
Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, ThS. Nguyễn Anh Tuấn, Trường đại học kinh tế – luật, hoạt động gắn với tăng trưởng xanh đã và đang rất được chú trọng tại các quốc gia cũng như doanh nghiệp trên thế giới.


Có rất nhiều sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tiết kiệm của các hãng lớn trên thế giới. Tập đoàn BWM, hãng ô tô nổi tiếng của Đức đã đưa ra cam kết để bảo tồn nguồn tài nguyên trên cơ sở cải tiến công nghệ, giảm thiểu lượng phát thải và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cho các xe của hãng bắt đầu từ năm 2007. Bằng việc cải tiến hệ thống quản trị năng lượng, BMW cũng sử dụng tiết kiệm hơn nguồn nhiêu liệu đầu vào.
Trong khi đó, Toyota, công ty nổi tiếng tại Nhật Bản lại hướng đến xây dựng một kế hoạch bền vững dựa trên 3 góp độ: (1) đưa ra mục tiêu giảm thiểu năng lượng tiêu thụ dựa trên phát triển công nghệ sản phẩm và công nghệ sạch, bằng việc khuyến khích tất cả các nhân viên trong công ty cùng tham gia vào hệ thống cải tiến liên tục (Kaizen); (2) tăng cường việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch hoặc năng lượng tái tạo; (3) tích cực tham gia với các cộng đồng địa phương xung quanh các cơ sở sản xuất trong việc bảo tồn các nguồn lực tự nhiên. Các hoạt động của công ty tại các địa phương cũng được sử dụng góp phần nâng cao nhận thức của nhân viên trong công ty.
Một thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất lốp xe Michelin, phải đối mặt với rất nhiều công đoạn liên quan đến môi trường từ khi nhập nguyên liệu đầu vào cho đến lúc phân phối sản phẩm trên thị trường. Đối mặt với nhiều áp lực như vậy, Michelin lại đưa ra sáng kiến nhằm giảm tiêu thụ năng lượng từ việc sử dụng các sản phẩm lốp xe của hãng.
Cụ thể, năm 2008, hãng đưa ra thế hệ thứ 4 về lốp xe cải tiến năng lượng nhằm giúp cho các xe có sử dụng loại lốp mới này sẽ tiết kiệm được khoảng 0,2 lit trên 100 km xe chạy (kết hợp cả đường nội thành và đường dài). Loại bánh xe tiết kiệm năng lượng này theo thống kê đã góp phần tiết kiệm hơn 10 tỷ lít xăng, giảm phát thải hơn 26 triệu tấn CO.
Ở cấp độ cao hơn, tác động đến cả hệ thống và thói quen người tiêu dùng, hệ thống xe đạp tự phục vụ tại Paris: Vélibs’đã được đưa ra vào mùa hè 2007 với mục tiêu để làm cho thành phố xanh hơn, trật tự và trở thành một nơi thật sự thoải mái. Hệ thống xe tự phục vụ gồm 1750 địa điểm với sự liên kết chặt chẽ với các tàu điện ngầm, bến xe bus và được mở 24 giờ trong ngày.
Mỗi trạm như vậy sẽ chứa khoảng từ 20 xe trở lên. Tại mỗi trạm sẽ có hệ thống cho thuê tự động, một lần đăng kí cho phép người sử dụng lấy một chiếc xe đạp từ một trạm bất kỳ trong thành phố và sử dụng tự do trong vòng 30 phút, sau thời gian đó, nếu vẫn tiếp tục sử dụng thì sẽ tính phí phát sinh thêm theo khoảng thời gian 30 phút. Đề án thanh toán được thiết kế để đảm bảo cho quá trình vận hành xe đạp được lưu thông liên tục và tăng cường tính chia sẻ của hệ thống.
Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, mỗi đêm xe đạp sẽ được phân phối lại cho các trạm có nhu cầu đặc biệt cao hơn. Dữ liệu theo thời gian về số lượng sẵn có của xe đạp tại mỗi trạm sẽ được cung cấp qua Internet và người dùng cũng có thể truy cập qua điện thoại di động.
Tài trợ chính cho dự án này do công ty JC Decaux chịu trách nhiệm và vận hành trong 10 năm. Đổi lại, thành phố sẽ chuyển giao hầu hết quyền kiểm soát bảng quảng cáo của thành phố cho công ty này. Với nguồn nhập chủ yếu từ hệ thống chia sẻ xe đạp tự phục vụ, dự kiến công ty sẽ thu được lợi nhuận từ năm thứ 3.
Nhìn chung, hệ thống này đã đạt được thành công rực rỡ và việc sử dụng xe đạp của Vélib cũng trở nên như là một xu hướng thời trang. Một phần của thành công này là do thiết kế và ứng dụng của hệ thống, với sự tập trung mạnh mẽ vào tính linh hoạt, tính sẵn có, thiết kế dễ sử dụng, tăng độ tin cậy và để giảm thiểu nguy cơ trộm cắp và bị phá hoại.
Tại Việt Nam, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng có những doanh nghiệp luôn hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai. Điển hình trong số này cần phải kể đến tập đoàn Vinamilk với sứ mệnh: “Trở thành biểu tượng niềm tin hàng đầu Việt Nam về sản phẩm dinh dưỡng và sức khỏe phục vụ cuộc sống con người”, và tầm nhìn: “Vinamilk cam kết mang đến cho cộng đồng nguồn dinh dưỡng và chất lượng cao cấp hàng đầu bằng chính sự trân trọng, tình yêu và trách nhiệm cao của mình với cuộc sống con người và xã hội”. Để thực hiện được tôn chỉ của mình, Vinamilk đã xây dựng chiến lược phát triển bền vững với sự lồng ghép nhiều nội dung liên quan đến sản xuất bền vững hay cải tiến sinh thái.
Vinamilk đã được công nhận là đơn vị sản xuất an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các tổ chức trong và ngoài nước. Vinamilk cam kết hướng tới một công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng ít năng lượng (mục tiêu giảm 3% năng lượng sau 5 năm thực hiện), giảm thiểu khí phát thát nhà kính thông qua việc: sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng; sử dụng nước hiệu quả và tiết kiệm; kiểm soát và xử lý tốt nguồn phát thải; bên cạnh đó tập đoàn cũng hướng đến việc tham gia các hoạt động vì cộng đồng: quỹ một triệu cây xanh cho Việt Nam.
Để đạt được những mục tiêu này, Vinamilk luôn khẳng định mình với tinh thần không ngừng cải tiến, sáng tạo không chỉ về công nghệ sản xuất mà còn về sản phẩm, chủng loại: bằng việc đầu tư vào các công nghệ sản xuất mới, bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm…
Ngoài ra, trong cách thức quản lý cần phải kể đến điển hình về khu công nghiệp Quy Nhơn – Bình Định. Với việc ban hành quy định về tiêu chí và thang điểm phân hạng các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp và Khu kinh tế Nhơn Hội theo hướng doanh nghiệp xanh vào tháng 10 năm 2013.
Quy định này đã phân hạng các doanh nghiệp hướng đến tăng trưởng xanh theo 3 tiêu chí: (1) tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường; (2) đánh giá tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường hiện hành và (3) tuân thủ về hồ sơ quản lý môi trường và các vấn đề liên quan khác.
Thông qua quy định này, việc xếp hạng các doanh nghiệp hướng đến tăng trưởng xanh cũng được dễ dàng kiểm soát theo bộ tiêu chí của Ban Quản lý đã đưa ra. Và định kỳ hàng năm, Ban Quản lý tổ chức buổi trao tặng “Danh hiệu doanh nghiệp xanh” cho các doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ, chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường.