10 dự án năng lượng mặt trời ấn tượng trên thế giới

10 dự án năng lượng mặt trời ấn tượng trên thế giới

Khai thác nguồn năng lượng mặt trời vô tận, 10 dự án đầy ấn tượng, thậm chí đáng kinh ngạc này cho thấy sự phát triển, khả năng ứng dụng đa dạng cũng như tương lai của ngành năng lượng sạch.

Công viên năng lượng mặt trời Benban, Ai Cập

Đây là công viên năng lượng mặt trời có quy mô lớn nhất châu Phi và là một trong những công viên điện mặt trời lớn nhất thế giới. Sau khi hoàn thành, nó sẽ sản sinh tới 1,8GW điện. Nằm trên diện tích 37,2km2, công viên năng lượng này được chia thành các ô riêng biệt, mỗi ô là một nhà máy. Chúng kết nối với mạng điện cao thế nhờ 4 trạm biến áp. Hiện công viên này đã hoàn thành giai đoạn thứ 2, cung cấp gần 1,5GW cho lưới điện quốc gia Ai Cập. Từ không gian, có thể nhìn thấy dải các tấm pin quang điện trải rộng trên một khu vực sa mạc rộng lớn của công viên này. Dự án thuộc chương trình thúc đẩy đầu tư khai thác năng lượng tái tạo ở xứ sở kim tự tháp để đi tới mục tiêu tạo ra 20% điện từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2022 và 42% vào năm 2035.

Sân bay quốc tế Cochin, Ấn Độ

Sân bay đầu tiên trên thế giới sử dụng 100% năng lượng sạch, đạt giải thưởng Champion of the Earth Prize – Giải thưởng quốc tế danh giá nhất hành tinh về bảo vệ môi trường – vào năm 2019. Ban đầu, các tấm pin năng lượng mặt trời được lắp trên mái nhà tại cổng đến của sân bay, sau đó mở rộng ra ở trên và xung quanh nhà chứa máy bay. Tiếp theo đó là nhà máy điện mặt trời nằm trên khu đất trống gần khu vực chứa hàng hóa của sân bay với số vốn đầu tư lên đến 9,5 triệu USD. Nhà máy này gồm 46.000 tấm pin mặt trời, tổng công suất 12MW, sản xuất mỗi ngày 48.000-50.000 kWh. Lượng điện này đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sân bay và phần dư thừa được phát lên điện lưới quốc gia. Sân bay quốc tế Cochin đã có kế hoạch mở rộng hệ thống pin mặt trời dọc theo kênh tưới tiêu, bãi đậu xe và nhiều vùng đất trống để tạo ra điện dùng cho nhà ga đón khách mới được đưa vào vận hành.

10-du-an-nang-luong-mat-troi-an-tuong-tren-the-gioi-2Nhà máy điện mặt trời tại sân bay quốc tế Cochin, Ấn Độ (Ảnh internet)

Công viên năng lượng mặt trời đập Longyangxia, Trung Quốc

Một trong những nhà máy quang điện lớn nhất trên thế giới tọa lạc tại tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc, khu vực đập bê tông Longyangxia ở lối vào của hẻm núi Longyangxia gần sông Hoàng Hà. Dự án này trải dài trên diện tích khoảng 27km2, có tổng công suất 850MW, được hoàn thành sau 2 giai đoạn thi công. Điện năng tạo ra từ công viên năng lượng này có thể cung cấp cho gần 200.000 ngôi nhà. Đặc biệt, nhà máy năng lượng mặt trời đập Longyangxia được tích hợp với trạm thủy điện, vừa tạo ra điện sạch vừa giúp tiết kiệm nước.

Nhà máy năng lượng mặt trời Chernobyl, Ukraine

Vụ nổ tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl vào ngày 26/4/1986 là một trong hai thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới (bên cạnh thảm họa sự cố ở Fukushima, Nhật Bản). Ukraine đã nỗ lực “hồi sinh” Chernobyl bằng một nhà máy điện mặt trời công suất 1MW để bổ sung cho lưới điện địa phương. Vì thế, dù không có quy mô lớn nhất trên thế giới nhưng dự án này mang ý nghĩa rất sâu sắc. Nhà máy mới này có diện tích khoảng 16.000m2, gồm 3.800 tấm pin quang điện được gắn cố định vào các tấm bê tông. Lượng điện mà nhà máy tạo ra có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho khoảng 2.000 hộ gia đình.

Nhà máy điện quang điện Solar Star, Mỹ

Solar Star là công viên năng lượng mặt trời có công suất lớn nhất ở Mỹ. Nằm ở gần Rosamond, California, dự án này trải rộng trên 13km2, có tổng công suất 579MW. So với các nhà máy điện mặt trời có kích thước tương tự, dự án này sử dụng ít tấm pin mặt trời hơn nhưng mỗi tấm pin có công suất, hiệu suất, kích thước lớn hơn. Mô-đun silicon của các tấm pin cũng có chi phí cao hơn. Solar Star hiện vẫn nằm trong danh sách các dự án điện mặt trời quy mô lớn hàng đầu thế giới.

Đường năng lượng mặt trời tại Hà Lan và tại Trung Quốc

Năm 2014, Hà Lan lắp đặt con đường xe đạp năng lượng mặt trời đầu tiên trên thế giới tên là SolaRoad, tại phía Bắc thủ đô Amsterdam. SolaRoad có chiều dài 70m, được lát bằng các tấm pin mặt trời. Phủ trên các tấm pin mặt trời là các tấm kính cường lực để bảo vệ tấm pin, trên cùng là một lớp nhựa trong suốt để tránh trơn trượt. Xe đạp điện chạy trên con đường này sẽ được sạc điện mà không cần ổ cắm. Sau khi đi vào hoạt động, con đường này đã trở thành một niềm cảm hứng, đến nỗi Pháp có kế hoạch xây toàn bộ đường mặt trời để cung cấp 8% nhu cầu năng lượng cả nước; sau đó Nhật Bản và Trung Quốc cũng có cách tiếp cận tương tự.

Cuối năm 2017, con đường quang điện đầu tiên trên thế giới đã mở cửa, tại thành phố Tế Nam, phía đông tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Đoạn đường dài 1km xây dựng bằng các tấm pin năng lượng mặt trời, có thể chịu được trọng lượng của những chiếc xe tải hạng trung. Với nguồn điện sạch được tạo ra từ các tấm pin mặt trời, con đường có thể cung cấp năng lượng cho những chiếc xe điện, làm tan băng và sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho các phương tiện không người lái.

10-du-an-nang-luong-mat-troi-an-tuong-tren-the-gioi-3Đường cao tốc lát các tấm pin mặt trời tại Tế Nam, Trung Quốc (Ảnh internet)

Dự án năng lượng tái tạo Tokelau, Tokelau

Tokelau – một đảo quốc nhỏ bé nằm ở phía Nam Thái Bình Dương – là nơi đầu tiên trên thế giới sử dụng 100% năng lượng mặt trời. Dự án năng lượng tái tạo Tokelau đã vượt xa kỳ vọng ban đầu là đáp ứng được 90% nhu cầu điện của hơn 1.500 cư dân. Hệ thống với hơn 4.000 tấm pin quang điện và 1.344 pin dự trữ có khả năng cung cấp đến 150% nhu cầu năng lượng của toàn bộ người dân. Không chỉ giúp giảm bớt chi phí sử dụng điện cho người dân, giảm ô nhiễm môi trường, sự thành công của dự án này còn là một tiền đề và niềm cảm hứng thúc đẩy các quốc gia khác trong hành trình chuyển đổi năng lượng và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo.

Vệ tinh Vanguard 1

Được NASA phóng thành công vào năm 1958, Vanguard 1 là vệ tinh sử dụng năng lượng mặt trời đầu tiên trên thế giới. Nhờ các tấm pin mặt trời mà Vanguard 1 có thể hoạt động trong thời gian dài không cần tiếp thêm năng lượng. Mặc dù hiện nay Vanguard 1 không còn truyền dữ liệu về Trái đất nhưng nó vẫn ở trên quỹ đạo và là vật thể nhân tạo lâu đời nhất trong không gian. Sự thành công của Vanguard 1 đã mở ra xu hướng sử dụng năng lượng từ mặt trời trong ngành công nghiệp vũ trụ với nhiều vệ tinh có ứng dụng pin mặt trời sau này.

10-du-an-nang-luong-mat-troi-an-tuong-tren-the-gioi-4Vệ tinh Vanguard 1 (Ảnh internet)

Máy bay năng lượng mặt trời Solar Impulse

Ngày 23/4/2016, chiếc máy bay dùng hoàn toàn năng lượng mặt trời Solar Impulse đã hạ cánh tại California, kết thúc thành công chặng đường bay khoảng 60 giờ, xuất phát từ quần đảo Hawaii giữa Thái Bình Dương. Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của nó là vào tháng 12/2009. Đây là đứa con tinh thần của kỹ sư Andre Borschberg và phi hành gia Bertrand Piccard – đều là người Thụy Sĩ. Trước đó, trên thế giới đã có một số máy bay có sử dụng năng lượng từ mặt trời như  Sunrise 1 và 2, Solar One, Gossamer Penguin, Solar Challenger… Solar Impulse không phải là chiếc máy bay năng lượng mặt trời đầu tiên nhưng nó cho thấy việc chỉ sử dụng sức mạnh của ánh dương cho du lịch hàng không là điều hoàn toàn có thể, mở ra kỳ vọng về một tương lai mà các hãng hàng không không làm ô nhiễm bầu trời.

Năng lượng tái tạo sẽ tác động rất lớn đến tương lai của nhân loại. Các dự án năng lượng mặt trời ấn tượng, độc đáo trên không chỉ khẳng định tính hiệu quả và thiết thực của nguồn năng lượng sạch này mà còn khơi gợi niềm cảm hứng cho nhiều dự án tiếp theo.

Nguồn: Solarpower.vn